
TS. Nguyễn Đức Kiên: "Trao cơ hội, mở không gian để doanh nghiệp tư nhân phát huy sức mạnh không giới hạn"
Môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, an toàn cùng những bó buộc về quy định, thủ tục và cách "ứng xử" chưa công bằng trong thực thi chính sách đã khiến doanh nghiệp tư nhân gặp không ít rào cản trong tiếp cận nguồn lực, kìm hãm sự phát triển. Điều này dẫn đến khu vực kinh tế tư nhân dù tạo nhiều dấu ấn, đóng góp quan trọng nhưng vẫn chưa thể bứt phá "hết sức mình" trong hành trình 40 năm Đổi mới, nhiều mục tiêu phát triển chưa đạt được.
Bước vào kỷ nguyên mới, để kinh tế tư nhân thực sự đáp ứng kỳ vọng là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng, góp phần định hình tương lai của nền kinh tế đất nước, cần tháo gỡ triệt để các rào cản, trao cơ hội một cách mạnh mẽ, "mở bung" không gian phát triển thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả.
Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, nếu Nhà nước có thể chế phù hợp, chính sách đúng đắn và môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tư nhân sẽ được ươm dưỡng để sinh trưởng khỏe mạnh, bứt phá mạnh mẽ, không chỉ giúp kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà còn sớm đưa nước ta thành nền kinh tế thu nhập cao trong hai thập niên tới. Đây chính là thời điểm để hành động, để kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng, năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc tế.
Thực tế cũng đã chứng minh, ở đâu tạo được môi trường thuận lợi, không gian phát triển rộng mở, kinh tế tư nhân sẽ được kích thích vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Khi được trao cơ hội, "ngọn lửa" kinh doanh sẽ được kích hoạt, phát huy sức mạnh không giới hạn của kinh tế tư nhân.
Bàn luận sâu hơn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội.
PV: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tiềm lực và khát vọng lớn, nhưng rất cần một không gian để phát triển. Chuyên gia có nhìn nhận như thế nào về vai trò mở đường của Nhà nước trong việc tạo ra không gian phát triển cho lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Giai đoạn đầu thực hiện sự nghiệp Đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, rất mờ nhạt, nền kinh tế lúc đó chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng trong khoảng 20 năm trở lại đây, hoàn toàn có thể thấy, kinh tế tư nhân đã bứt phá mạnh mẽ, từ một khu vực thứ yếu trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế.
Hơn 40 triệu việc làm, chiếm khoảng 82% tổng số lao động trong nền kinh tế hiện nay là do kinh tế tư nhân tạo ra. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 - 7% trong những năm qua cũng có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân.
Nhờ đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, bộ mặt của nhiều địa phương đã thay đổi mạnh mẽ. (Ảnh minh hoạ:Vietnamnet)
Rất nhiều người Việt Nam xa Tổ quốc đã lâu đến bây giờ trở lại đều ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước với nhiều đổi thay tích cực. Bộ mặt của từng vùng miền, từng địa phương thay đổi, đời sống của nhân dân cũng sung túc, khấm khá hơn nhiều so với trước đây. Có được những thành quả này là nhờ một phần đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong những năm qua gắn liền với vai trò của Đảng và Nhà nước thông qua những quan điểm, chủ trương đúng đắn và xuyên suốt.
Kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) và ngày càng được khẳng định vai trò, vị trí trong nhiều nghị quyết, định hướng của Đảng như Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011; Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 03/6/2017… Những nghị quyết này đều cho thấy kinh tế tư nhân đã được khẳng định là một thành phần kinh tế quan trọng cần tạo điều kiện, mở đường, khuyến khích phát triển.
Hãy nhìn vào sự thay đổi của Phú Quốc, nếu không có sự mở đường của Nhà nước thông qua các chính sách cởi mở cho các doanh nghiệp tư nhân vào đây đầu tư, chắc gì đã có một Phú Quốc từ huyện đảo nghèo trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam; một Phú Quốc với nhiều công trình biểu tượng nổi tiếng, đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm.
PV: Câu chuyện của Phú Quốc cụ thể ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Năm 2004, Chính phủ ban hành Quyết định 178 phê duyệt Đề án phát triển tổng thể Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo Đề án, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, để địa phương hoàn thành mục tiêu đặt ra, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, cơ chế thông thoáng nhằm thu hút đầu tư, tạo không gian thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển.
Hiểu được tầm quan trọng của hạ tầng đối với phát triển kinh tế - xã hội, Phú Quốc đẩy mạnh xây dựng những công trình thiết yếu như cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng điện… Năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia. Đến nay, Phú Quốc đã kết nối đường bay trong nước đến tất cả các sân bay; đối với đường bay quốc tế đã kết nối đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việc mở ra không gian phát triển thông qua các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư và hạ tầng hoàn thiện đã tạo cơ sở quan trọng để Phú Quốc thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup… tìm đến.




Phú Quốc "thay da đổi thịt" đầy ngoạn mục trong những năm gần đây. (Ảnh minh hoạ)
Từ một địa phương "không có dự án đầu tư nào", dịch vụ du lịch gần như bằng 0 vào năm 2004 thì đến nay, Phú Quốc đã có gần 500 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trong đó có nhiều dự án đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao. Phải thừa nhận rằng, công tác phát triển bất động sản và du lịch tại Phú Quốc đã và đang được làm rất tốt.
Tổng thu ngân sách của Phú Quốc qua các năm cũng ghi nhận nhiều con số ấn tượng, đóng góp lớn vào ngân sách chung của tỉnh Kiên Giang. Riêng 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.
Việc Phú Quốc được lựa chọn tổ chức APEC 2027 tới đây càng cho thấy vai trò mở đường của Nhà nước trong việc thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Để được "chọn mặt gửi vàng" tổ chức Hội nghị APEC, địa phương được lựa chọn rõ ràng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định. Nhìn Phú Quốc ở thời điểm hiện tại, nhờ dấu ấn quan trọng của lực lượng doanh nghiệp tư nhân thông qua các chính sách hỗ trợ, Phú Quốc vừa có cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đồng bộ khi đường không, đường biển đều đáp ứng tốt; vừa có hệ thống các sản phẩm du lịch cao cấp đa dạng. Đặc biệt, Phú Quốc còn có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên khi là một trong những địa điểm du lịch không chỉ nổi tiếng của Việt Nam mà còn được nhiều du khách quốc tế yêu thích.
Với sự quan tâm của Nhà nước, sự nỗ lực của tỉnh Kiên Giang trong việc mở đường cho lực lượng doanh nghiệp tư nhân vào phát triển, rõ ràng Phú Quốc đã chuyển mình mạnh mẽ - điều mà không nhiều địa phương, thậm chí là huyện đảo khác có thể làm được.
PV: Như ông nói, doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra vị thế cho Phú Quốc ngày nay, giúp địa phương này được lựa chọn là địa điểm tổ chức APEC; nhưng ở góc nhìn ngược lại, phải chăng Hội nghị APEC cũng mở ra cơ hội, không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân?
TS. Nguyễn Đức Kiên: APEC là diễn đàn kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương - một khu vực rất năng động với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế, nhằm thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại trong khu vực.
Nếu tận dụng tốt APEC, chúng ta sẽ biến các quan hệ đa phương trong tổ chức để làm sâu sắc thêm những quan hệ song phương, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển kinh tế.
Việc đăng cai tổ chức APEC 2027 cũng là dịp để chúng ta chứng minh cho bạn bè thế giới - Việt Nam là một quốc gia cởi mở, năng động, tôn trọng tất cả các thành phần kinh tế, từ kinh tế nhà nước, kinh tế FDI, đến kinh tế tư nhân.
Với riêng Phú Quốc - nơi diễn ra Hội nghị APEC, đây sẽ là cơ hội đặc biệt, có một không hai giúp địa phương trở thành tâm điểm của thế giới, khẳng định vị thế của một trong những "thiên đường du lịch" và cũng là cơ hội để Phú Quốc chứng minh năng lực tổ chức sự kiện trọng đại tầm cỡ quốc tế.
Còn với đội ngũ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, APEC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng các dự án quan trọng để phục vụ Hội nghị; cơ hội tiếp cận, kết nối với các nhà đầu tư, đối tác tiềm năng trên nhiều lĩnh vực cũng như quảng bá thế mạnh của doanh nghiệp mình ở phạm vi khu vực và toàn cầu.
Ảnh phối cảnh khu tổ hợp đa chức năng APEC tại Phú Quốc.
Để phục vụ APEC 2027, tỉnh Kiên Giang đã đề xuất đầu tư xây dựng hơn 40 dự án trọng điểm với tổng số vốn dự kiến trên 305.000 tỷ đồng. Ngay đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh đã tổ chức Lễ khởi động loạt các dự án phục vụ APEC 2027.
Kiên Giang cam kết sẽ thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng các dự án, các công trình trọng điểm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong nước, quốc tế có đủ tiềm lực, năng lực tham gia vào các dự án hạ tầng, dịch vụ phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng phục vụ phát triển Phú Quốc lâu dài mà các thành phần kinh tế, doanh nghiệp không đầu tư như đường giao thông, hồ chứa nước. Còn các dự án hạ tầng, dịch vụ như sân bay, trung tâm hội nghị, khu nghỉ dưỡng, sân golf, khách sạn, kể cả cấp điện, nước, xử lý rác… thì huy động xã hội hóa hoặc hợp tác công tư để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển.
Như vậy, ngay từ thời điểm này, rất nhiều cơ hội trong tham gia đầu tư các dự án hạ tầng để phục vụ Hội nghị APEC 2027 đã được mở ra. Với khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng phát triển, trong đó có một số tập đoàn tư nhân lớn sở hữu tiềm lực mạnh, tôi tin rằng họ sẽ tận dụng tốt những cơ hội này.
PV: Lý do gì khiến ông tin rằng lực lượng doanh nghiệp tư nhân sẽ tận dụng tốt cơ hội từ Hội nghị APEC 2027?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Hãy nhìn lại Hội nghị APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, chúng ta sẽ thấy rõ câu trả lời.
Thời điểm đó, những cơ hội mà APEC 2017 mang lại, có thể nói, các doanh nghiệp Việt Nam đều tận dụng tốt, thậm chí vượt ngoài mong đợi. Thế nên, không có lý do gì để cho rằng cơ hội tại Phú Quốc vào năm 2027 tới đây lại bị bỏ lỡ.
Thông qua Hội nghị APEC 2017, nhiều doanh nghiệp trong nước lúc đó đã có thể kết nối với các doanh nghiệp lớn trong khu vực. Trong đó, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đã đẩy mạnh kinh doanh, kết nối với các lãnh đạo, quan chức, các tập đoàn khu vực để tìm đối tác, ký kết các thoả thuận hợp tác. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ với các đối tác trong khu vực và các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Với những doanh nghiệp chưa thể đi đến thỏa thuận hợp tác cụ thể, họ cũng đã tiếp cận tốt các ý tưởng mới về kinh doanh, công nghệ của các tập đoàn lớn trên thế giới, nắm bắt xu thế toàn cầu nhằm xây dựng tầm nhìn và mô hình quản trị hợp lý.
Với việc tận dụng tốt các cơ hội, sau khi Hội nghị APEC kết thúc, TP. Đà Nẵng đã thu hút hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư cam kết, gồm cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ chốt của Đà Nẵng đều tăng trưởng vượt trội.
PV: APEC là một cơ hội tốt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và lực lượng kinh tế tư nhân nói riêng, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có được những cơ hội tương tự. Vậy theo ông, Việt Nam cần chủ động tạo ra không gian phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân vươn mình trong giai đoạn hiện nay như thế nào?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Đúng vậy. Không thể chờ đến khi được tổ chức những sự kiện lớn như APEC, Nhà nước hay chính quyền các địa phương mới đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng, tạo điều kiện cho các dự án được triển khai. Các địa phương cũng cần thường xuyên thúc đẩy hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo điều kiện bứt phát cho đầu tư tư nhân.
Chúng ta vẫn phải làm để phục vụ người dân, vẫn phải làm để thu hút đầu tư, để tạo không gian phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Từ khi đổi mới đến nay, Nhà nước luôn mở rộng cánh cửa để tất cả các thành phần kinh tế tham gia đóng góp. Trong quá trình đó, các nghị quyết cũng đều khẳng định, kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế FDI là những động lực quan trọng của phát triển kinh tế đất nước.
Chủ trương đã rõ, cơ chế về cơ bản đã đáp ứng được khoảng 80 - 90% nhu cầu của kinh tế tư nhân. Còn khoảng 10 - 20% cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với từng ngành nghề một.
Dù vậy, để khu vực kinh tế tư nhân đóng góp quyết định vào kỷ nguyên vươn mình thịnh vượng của dân tộc, Nhà nước vẫn cần trao cơ hội một cách mạnh mẽ hơn nữa, "mở bung" không gian phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp này.
PV: Trao cơ hội, mở không gian cụ thể ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay "đông nhưng chưa mạnh". Chủ yếu đến nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ và hộ kinh doanh gia đình. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, dẫn đến hệ quả là công nghệ thấp, chậm hoặc không đầu tư đổi mới, quản trị doanh nghiệp theo quy mô doanh nghiệp gia đình là chủ yếu.
Do vậy, vai trò của Nhà nước trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, mang tính kiến tạo cao, hỗ trợ cả về cơ chế pháp lý và chính sách tài chính, kích thích sự sáng tạo, sự vươn lên của doanh nghiệp, giúp ngày càng có nhiều hơn doanh nghiệp khởi nghiệp và liên doanh, liên kết tạo sức mạnh phát triển, là yếu tố quan trọng. Đây cũng là cách để chúng ta đảm bảo rằng, kinh tế tư nhân được đối xử công bằng với kinh tế nhà nước, kinh tế FDI.
Việt Nam có đủ nguồn lực để phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, từ đất đai, con người, đến ý chí quyết tâm, tinh thần dân tộc… chỉ còn thiếu không gian và cơ hội.
Tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, đường hướng, mục tiêu trong các nghị quyết đã rõ, nhưng việc thể chế hóa các văn bản pháp quy để từ đó áp dụng vào thực tiễn còn là một khoảng thời gian tương đối dài. Chính vì vậy đã làm mất đi tính thời điểm trong kinh doanh, cũng đồng nghĩa với việc đánh mất thời cơ, cơ hội. Đã nói đến doanh nhân, doanh nghiệp thì phải nói đến thời điểm kinh doanh; nếu để mất đi thời điểm kinh doanh, cơ hội kinh doanh thì mọi hỗ trợ của Nhà nước lúc đó hầu như không còn ý nghĩa.
Đó cũng là lý do đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một lực lượng doanh nghiệp tư nhân hùng hậu và vươn xa, giúp đất nước nhanh chóng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Người dân ở hầu hết các địa phương vẫn phải đi "tha phương cầu thực", xuất khẩu lao động do thiếu công ăn việc làm tại địa phương. Có những làng quê không còn nổi một người trẻ ở nhà.
Vì vậy, Nhà nước cần mở đường, các địa phương cần kiến tạo để xây dựng những không gian phù hợp giúp doanh nghiệp tư nhân được kích thích phát triển. Các tỉnh thành cần đạt mục tiêu thành lập được bao nhiêu doanh nghiệp trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, tạo việc làm. Từ đó có những cơ chế thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển thành doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa; doanh nghiệp vừa sớm vươn lên thành doanh nghiệp lớn.
Có doanh nghiệp mạnh thì mới có nhiều việc làm, mới có thể tăng trưởng bền vững và hướng tới một cuộc sống phồn vinh cho mọi người dân.
Nhìn lại các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới có thể thấy, trong quá trình hình thành và phát triển của họ, Nhà nước giữ vai trò là người dẫn dắt và tạo lập thị trường, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tạo dựng nên những doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia. Vấn đề là chúng ta rút ra được những điều gì từ đó để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, mang lại hiệu quả và nhất là rút ngắn được quá trình mà các nước khác đã từng trải qua trước đây.
PV: Việc ứng xử công bằng giữa các thành phần kinh tế nên được hiểu như thế nào?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, nhận thức của xã hội, trong đó bao gồm cả người thực thi chính sách về kinh tế tư nhân vẫn là một "nút thắt" chưa được tháo gỡ triệt để. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận nguồn lực.
Vì vậy, Nhà nước cần tuyên truyền mạnh mẽ về kinh tế tư nhân; vận động, thuyết phục, dẫn dắt dư luận, tạo ra hình ảnh kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước, hoàn toàn không "xấu" như nhiều người nghĩ. Doanh nghiệp, doanh nhân cần được bảo vệ trước những dư luận không đúng. Khi chúng ta đã ban hành các văn bản pháp quy và các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định pháp luật thì chúng ta phải bảo vệ họ, phải đứng ra nói rằng "họ đang làm đúng, để yên cho họ làm", chứ không để dư luận hùa vào "đánh đấm" làm nhụt ý chí của lực lượng doanh nghiệp tư nhân khi tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước.
Chúng ta thấy, đã có một thời kỳ 2016 - 2018, chúng ta "đánh" những doanh nghiệp BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải rất nặng nề. Để rồi đến nay, việc huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác vào đầu tư cơ sở hạ tầng, để cùng gánh vác với Nhà nước rất khó khăn. Nếu chúng ta thực hiện tốt như giai đoạn 2011 - 2015 thì bên cạnh nguồn vốn lớn của Nhà nước, chúng ta còn huy động được nguồn vốn lớn từ xã hội vào phát triển hạ tầng. Khi đó, chắc chắn tốc độ phát triển kinh tế của đất nước sẽ cao hơn, chứ không như giai đoạn vừa qua.
Vì vậy, phải dứt khoát thay đổi nhận thức của xã hội, đặc biệt là cả người thực thi chính sách, để tạo một môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Môi trường kinh doanh thuận lợi là khi các cơ chế cởi mở và tính công bằng được đảm bảo.
Với những chỉ đạo quyết liệt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, trong việc coi kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu, và thúc đẩy kinh tế tư nhân là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, tin rằng sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động đối với kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân.
PV: Trong giai đoạn hiện nay, nếu doanh nghiệp tư nhân được trao cơ hội mạnh mẽ hơn, ông nghĩ rằng lực lượng này sẽ bứt phá như thế nào?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Khi được trao cơ hội mạnh mẽ, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ kích hoạt được "ngọn lửa" đầu tư kinh doanh, phát huy sức mạnh không giới hạn. Môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thậm chí có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Tất nhiên, bản thân doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải đổi mới, chủ động vươn lên. Tự thân mỗi doanh nghiệp phải có ý thức, khát vọng, ý chí, quyết tâm. Nếu không có sự thay đổi đột phá từ chính doanh nghiệp thì dù Nhà nước có thực nhiều cơ chế hỗ trợ cũng khó có thể giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu ngay ở thị trường trong nước, chứ chưa nói đến có thể vươn ra quốc tế.
Như vậy, để khu vực kinh tế tư nhân ngày càng thể hiện rõ là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, góp phần định hình tương lai của nền kinh tế đất nước, vai trò tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi của Nhà nước là rất quan trọng, đồng thời cũng cần sự nỗ lực vượt bậc của chính các doanh nghiệp.
Thời cơ đến nhưng rồi cũng sẽ trôi đi, nếu không thể nắm bắt thời cơ để hành động kịp thời, thời cơ sẽ một đi không trở lại, và đó mới chính là sự lãng phí vô cùng lớn, không gì bù đắp được./.
- Trân trọng cảm ơn chuyên gia!
Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.
Mùa xuân năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được xem xét, định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nghị quyết mới về kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.
Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.
Đầu tháng 3, chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, xóa bỏ những định kiến, tư duy không đúng để tạo sự thay đổi trong "ứng xử" và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.
Chuỗi đối thoại chính sách với chủ đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đang nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!