Cụ thể, khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi với hai nội dung chính như sau:
Thứ nhất, nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lên 30% EBITDA, thay vì 20% EBITDA như hiện tại. Cụ thể, tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
Với phần chi phí lãi vay không được trừ, doanh nghiệp sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Thứ hai, Nghị định sửa đổi được áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đồng thời cho phép hồi tố áp dụng cho kỳ tính thuế 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và áp dụng cách tính chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay cho trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay).
Cụ thể, người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 1/1/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).
Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
Trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền đã thanh tra, kiểm tra và có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế, người nộp thuế đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp. Căn cứ vào đề nghị của người nộp thuế và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch theo quy định.
Việc xác định lại số thuế phải nộp được thực hiện tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, không thực hiện thanh tra, kiểm tra lại tại trụ sở người nộp thuế, không thực hiện điều chỉnh lại kết luận và quyết định thanh tra năm 2017 - 2018. Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.
Như vậy, với việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 cho thấy Chính phủ và Bộ Tài chính đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tiếp thu, sửa đổi các nội dung bất cập của Nghị định 20, đảm bảo phù hợp với thực tế. Đặc biệt, với quy định cho phép hồi tố áp dụng cho các kỳ tính thuế 2017, 2018 đồng nghĩa với việc, những doanh nghiệp đã bị tính thuế oan trong các năm này sẽ được hoàn trả thông qua phương thức bù trừ với nghĩa vụ thuế của kỳ tính thuế 2020 và các kỳ tính thuế tiếp theo.
Như Reatimes đã nhiều lần phân tích và bình luận, việc cho hồi tố này không những bảo đảm sự công bằng, hợp tình hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà trong sự tác động dữ dội của đại dịch toàn cầu Covid-19, thì đây còn là giải pháp hỗ trợ gián tiếp của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ứng phó với đại dịch, để cố gắng duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều đó càng chứng tỏ một điều, Chính phủ luôn lắng nghe, đồng cảm, đồng hành cùng doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn, với đúng vai trò một chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 3061 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt Nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành trong ngày 20/4. Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của nghị định.
Tuy nhiên, trái với yêu cầu "khẩn trương" của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản chỉ đạo ngày 17/4, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục trình các văn bản xin ý kiến, kéo dài quá trình hoàn thiện dự thảo.
Cụ thể, theo giải trình của Bộ Tài chính, qua rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy nội dung Văn bản 3061 chưa nêu rõ hồi tố điều khoản nào của dự thảo Nghị định; mặt khác tại phiếu lấy ý kiến thành viên của Chính phủ không nêu cụ thể đối với nội dung nào.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo 2 phương án và Thường trực Chính phủ đã cho ý kiến chỉ đạo thực hiện theo phương án 1: Cho phép hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, đồng thời áp dụng chi phí lãi vay thuần. Theo phương án này, dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.875 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo theo kết luận của Thường trực Chính phủ, tuy nhiên, về việc bù trừ số thuế đã nộp trong các năm 2017, 2018, Bộ Tài chính cho rằng, nếu coi đây là trường hợp nộp thừa để vận dụng quy định của Luật Quản lý thuế thì cần được báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
Theo đó, ngày 31/5, Văn phòng Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 mà Bộ Tài chính đã trình, đồng thời lấy ý kiến về thẩm quyền quyết định việc thực hiện nguyên tắc khấu trừ với nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm khi xử lý hồi tố đối với các năm 2017, 2018 là của Chính phủ hay của Quốc hội.
Ngày 16/6, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Theo đó, 100% thành viên Chính phủ biểu quyết việc thực hiện nguyên tắc hồi tố thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện, ký tắt dự thảo Nghị định theo đúng quy định và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/6.
Để có được kết quả này, gần 3 năm qua, không ít hội thảo, diễn đàn được tổ chức, hàng loạt những kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã được gửi đến Chính phủ và bộ ngành liên quan. Cùng với đó là hàng loạt bài viết phản biện, ghi nhận ý kiến phân tích sâu sắc của các chuyên gia đầu ngành về tài chính, pháp luật cũng đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes.
Chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng đã thừa nhận phạm vi đối tượng áp dụng cho tất cả đơn vị có giao dịch liên kết của Nghị định 20 đã gây khó cho các hoạt động của doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước, và mức áp trần chi phí phí lãi vay từ 20% là "sợi dây vô hình" trói chặt sự phát triển của doanh nghiệp.
Do đó, việc sửa đổi khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 theo hướng tăng trần chi phí lãi vay và cho phép xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 là một bước đi đúng đắn trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện sự quyết liệt và tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ, nhất là khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, rất nhiều việc phải giải quyết.
Cùng điểm lại những dấu mốc quan trọng trong hành trình “tìm lại chính mình” của Nghị định 20 và hành trình phản biện của Hiệp hội bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam Reatimes hướng tới sửa triệt để những bất cập trong khoản 3, Điều 8, Nghị định 20:
1. Từ tháng 10/2018 – tháng 12/2018: Tuyến bài "vạch trần" bất cập của Nghị định 20
Vào tháng 5/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chính thức có hiệu lực.
Ngay khi được áp dụng vào kỳ tính thuế 2018, các doanh nghiệp đã đồng loạt kêu cứu vì những bất cập về việc khống chế chi phí lãi vay trong khoản 3, Điều 8, Nghị định 20.
Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".
Điều này có thể hiểu, với phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nếu áp dụng theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được trừ toàn bộ khi tính thuế như các doanh nghiệp khác, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế. Với những nhóm ngành cần vốn để tạo lợi nhuận và mở rộng quy mô, thì Nghị định 20 được ví như một "cú đòn" hạ gục quyết tâm của doanh nghiệp.
Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã kịp thời triển khai hàng loạt bài phản ánh ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và ý kiến của giới nghiên cứu. Các chuyên gia kinh tế, tài chính –ngân hàng, luật sư đã đồng loạt nêu ý kiến, chỉ rõ những điểm bất hợp lý trong Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 đang gây bất lợi cho doanh nghiệp nội.
2. Tháng 12/2018: Hội thảo: “Nghị định số 20/2017/NĐ- CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ”.
Trước tác động không ngờ của Nghị định 20, trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, ngày 14/12/2018, Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Nghị định số 20/2017/NĐCP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ”. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam và các cơ quan báo chí khác cùng với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, các doanh nghiệp bất động sản và lãnh đạo bộ ngành liên quan đã “mổ xẻ” những vấn đề bất cập cần sửa đổi trong Nghị định 20.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội:
Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Bãi bỏ theo quy định của luật thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?
Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng.
Về cách làm, tôi cho rằng, Nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách... cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Gián sát tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia
“Mục tiêu chuyển thu nhập thuế từ quốc gia có suất thu nhập thuế cao sang thấp. Còn trong nội địa Việt Nam thì thuế suất như nhau, tôi đề nghị Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam. Chúng ta thấy rằng rất nhiều nước chưa áp dụng, nhất là những nước nghèo như Việt Nam. Còn tỷ lệ là 20% thấp hay cao, tôi nghĩ cần xem lại tỷ lệ cho hợp lý. Tóm lại, với Nghị định 20, tôi thấy chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối”.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, đại diện Tập đoàn MaSan:
Chúng tôi hoạt động theo mô hình tập đoàn, quản lý tập trung. Sau đó, phân bổ nguồn vốn xuống cho các công ty con. Thực tế, các công ty con không đủ uy tín, vốn nên các công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn.
Nếu giải pháp trước mắt là miễn trừ cho doanh nghiệp cùng thuế suất thì cũng chưa thực sự bao quát đối với tất cả các doanh nghiệp. Khi công ty mẹ huy động vốn cho công ty con hoạt động, nhưng công ty con đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy là đã có khác biệt giữa công ty mẹ và công ty con. Với trường hợp như vậy thì sao?
Tôi cho rằng không nên nói các doanh nghiệp có cùng thuế suất mới được miễn trừ, cần xem xét bản chất khoản vay có từ bên thứ 3 không và chi phí đó có hợp lý hay không, mang lại doanh thu hay không?
Nghị định 20 cần phải rõ ràng hơn trong quy định về phạm vi, nguyên tắc áp dụng, theo đó, chỉ doanh nghiệp nằm trong phạm vi, mới bị điều chỉnh theo Nghị định 20: Nếu không nằm trong phạm vi đó, tại sao lại áp dụng? Nếu chúng tôi có giao dịch liên kết nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào chuyển giá thì sao lại áp dụng?
Chúng tôi chỉ có trách nhiệm kê khai, còn việc xác định giá giao dịch liên kết và không công nhận các yếu tố làm ảnh hưởng nghĩa vụ thuế là trách nhiệm của cơ quan thuế. Nếu chúng tôi không có yếu tố làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế thì tại sao lại áp đặt với Nghị định 20?
Sau Hội thảo, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất các kiến nghị liên quan.
3. Tháng 4/2019: Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất nội dung và thời điểm sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ –CP.
Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, ngày 1/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất nội dung và thời điểm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 và các giải pháp để quản lý thuế hiệu quả đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, báo cáo Chính phủ trong tháng 4/2019.
4. Tháng 7/2019: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở Bộ Tài chính
Kết luận tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngành tài chính cần lưu ý về công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản.
Theo Phó Thủ tướng, công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản của ngành tài chính vẫn còn chậm, có văn bản không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành cũng chưa kịp thời trình Thủ tướng, Chính phủ bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản đang có vướng mắc.
Phó Thủ tướng đã dẫn ra vấn đề khống chế lãi vay đối với các doanh nghiệp liên kết quy định tại Nghị định số 20 như là một ví dụ. "Thủ tướng 3 lần đều nhắc đến chuyện này rồi", Phó Thủ tướng cho biết. Theo Phó Thủ tướng, nếu chờ sửa đổi bổ sung theo Luật Quản lý thuế thì chậm, nên chăng vướng đâu gỡ đó vì các doanh nghiệp kêu rất nhiều.
5. Ngày 15/8/2019: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiên Dũng khẳng định sẽ sửa triệt để khoản 3, Điều 8, Nghị định 20
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: "Về kế hoạch triển khai Luật quản lý thuế, Thủ tướng đã chỉ đạo cần sửa Nghị định 20, trong đó tập trung vào Khoản 3, Điều 8. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ trình Chính phủ nhưng trước tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, trình theo quy trình rút gọn để đẩy nhanh tiến độ sửa Khoản 3, Điều 8".
"Khoản 3, Điều 8 sẽ được sửa triệt để khi chúng ta sửa Luật thuế TNDN”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
6. Sáng 29/11/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng.
“Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi theo quy trình rút gọn, không chờ Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện toàn diện Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời bảo đảm kịp thời gian quyết toán thuế năm 2019. Nội dung sửa đổi tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù...
7. Ngày 12/12/2019, Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 lần 1
Theo đó, tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Cụ thể, tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) chi phí lãi vay thuần cộng (+) chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng 0, chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần được để xác định thu nhập chịu thuế của 5 năm tiếp theo theo quy định xác định lỗ và chuyển lỗ của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
8. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi những bất cập liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.
Theo đó, Nghị định 20 nên được sửa đổi theo các hướng:
Thứ nhất, tăng mức trần chặn chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, phù hợp với khung khuyến nghị của BEPS và tình hình thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam (như Dự thảo Nghị định sửa đổi gần đây nhất).
Thứ hai, cho tính chặn theo lãi vay thuần (chi phí lãi vay - doanh thu lãi tiền gửi cho vay) vì phù hợp với bản chất của chi phí lãi vay và theo đúng hướng dẫn của OECD; cho phép chuyển tiếp chi phí lãi vay chưa được trừ (do vượt CAP hoặc do công ty chưa có/chưa đủ EBITDA) sang khấu trừ tiếp trong 5 năm. Việc chuyển tiếp Chi phí lãi vay là phù hợp với nguyên tắc của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Doanh thu phù hợp với chi phí và được chuyển lỗ), hướng dẫn của OECD và thực sự là biện pháp tháo gỡ cho các kiến nghị của các doanh nghiệp trong suốt thời gian ban hành Nghị định 20 đến nay.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp được xác định lại chi phí lãi vay được trừ phát sinh các năm 2017, 2018, 2019 theo các nguyên tắc trên.
9. Ngày 19/02/2020 Bộ Tài chính trình dự thảo lần 2 sau khi lấy ý kiến Bộ Tư pháp: Bỏ điều khoản quy định cho phép hồi tố.
Tại tờ trình về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được trình Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ giữ lại quy định tăng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% EBITDA, bỏ quy định hồi tố, theo đó, Nghị định chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế 2019 mà không xác định lại các khoản chi phí lãi vay đã áp dụng theo quy định của khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 cho kỳ tính thuế năm 2017, 2018, đồng thời bỏ nội dung chuyển tiếp chi phí sang các năm tiếp theo.
Các luận điểm mà Bộ Tài chính cơ bản như sau: Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội nên cần cân nhắc việc hồi tố. Thứ 2, về mặt bằng chính sách quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 hiện hành có khác so với mặt bằng dự thảo Nghị định nên có thể trường hợp số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thấp hơn số bồi hoàn. Thứ ba, “chưa có nguồn thanh toán” cho tổng kinh phí phải hoàn trả là 4.875 tỷ đồng (2.067 tỷ đồng năm 2017 và 2.808 tỷ đồng năm 2018) và việc áp dụng hồi tố sẽ phát sinh tiêu cực, tạo sự phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, quản lý cán bộ của ngành thuế.
10. Ngày 3/3/2020: VNREA tiếp tục kiến nghị cho hồi tố với doanh nghiệp đã nộp thuế theo Nghị định 20.
Sau những kiến nghị của doanh nghiệp, giới chuyên gia và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những động thái đầu tiên khi công bố nghiên cứu nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Tuy nhiên, vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là có “hồi tố” lại các kỳ tính thuế mà doanh nghiệp đã nộp trước đó hay không thì hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ câu trả lời.
Từ những lý do đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 theo hướng:
Thứ nhất là bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.
Thứ hai là kiến nghị hoãn, lùi thời gian thực hiện điều khoản nói trên.
Thứ ba là cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 đến nay để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
11. Ngày 13/3/2020: Bộ Tư pháp trả lời Bộ Tài chính: Có cơ sở để hồi tố khoản 3 Điều 8 Nghị định 20
Bộ Tư pháp cho ý kiến như sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp để thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội thì văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương (trường hợp này là Nghị định của Chính phủ) có thể quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).
Tuy nhiên, trong thực tế đã có một số trường hợp cho hồi tố, đơn cử trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều trong các nghị định về thuế (Khoản 8 Điều 1), do đó, Bộ Tư pháp cho rằng việc cho hồi tố hay không cho hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu thuộc vào quan điểm chính sách của nhà nước ta.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
12. Reatimes tiếp tục có loạt bài phản biện về các văn bản giải trình của Bộ Tài chính liên quan đến quy định hồi tố
Sau mỗi động thái của Bộ Tài chính, Reatimes đều liên tục triển khai hàng loạt bài phân tích, phản biện nhanh chóng, kịp thời, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc cho phép hồi tố khi sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20, chỉ ra những điểm thiếu thuyết phục trong các giải trình của Bộ Tài chính khi bảo vệ quan điểm không hồi tố, khẳng định có đủ cơ sở pháp lý để hồi tố. Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, luật sư hàng đầu trong lĩnh vực này cũng đã có những bài phản biện, ủng hộ việc hồi tố đăng tải trên Reatimes.vn.
13. Ngày 27/3/2020 : Các thành viên chính phủ đồng ý hồi tố khoản 3, Điều 8, Nghị định 20
Đa số thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018; cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm.
14. Ngày 31/3/2020: Bộ Tài chính trình Chính phủ văn bản Giải trình gửi Thủ tướng ngày 30/3/2020 sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ: Vẫn bảo lưu quan điểm không hồi tố
Văn bản này cho thấy, sau một “vòng luẩn quẩn” lấy ý kiến Bộ Tư pháp, các bộ ngành và các tổ chức hội đặc biệt là kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục vô tư “gạt” điều khoản doanh nghiệp mong chờ nhất ra khỏi bản dự thảo: Đó là không cho phép hồi tố.
15. Ngày 17/4: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018.... để Chính phủ ban hành vào ngày 20/4.
16. Ngày 19/5: Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8, Nghị định 20.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo theo kết luận của Thường trực Chính phủ, tuy nhiên, về việc khấu trừ số thuế đã nộp trong các năm 2017, 2018, Bộ Tài chính cho rằng, nếu coi đây là trường hợp nộp thừa để vận dụng quy định của Luật Quản lý thuế thì cần được báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
17. Ngày 31/5: Văn phòng Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 mà Bộ Tài chính đã trình, đồng thời lấy ý kiến về thẩm quyền quyết định việc thực hiện nguyên tắc khấu trừ với nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm khi xử lý hồi tố đối với các năm 2017, 2018 là của Chính phủ hay của Quốc hội.
18. Ngày 16/6: Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Theo đó, 100% thành viên Chính phủ biểu quyết việc thực hiện nguyên tắc hồi tố thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện, ký tắt dự thảo Nghị định theo đúng quy định và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/6.
PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Việc sửa đổi Nghị định nhằm mục đích khắc phục thiếu sót việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những hậu quả mà quá trình thi hành đã gây ra cho doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Do đó, việc sửa đổi lần này phải có hiệu quả và phải thực sự sẽ trở thành biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, không thể tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào tình thế khốn cùng. Bởi với số tiền thuế đã nộp cho các năm trước được hoàn về hoặc bù trừ nếu áp dụng hồi tố, doanh nghiệp sẽ giảm bớt những gánh nặng về tài chính đang gặp phải. Đây là điều các doanh nghiệp bất động sản rất mong mỏi, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh như hiện tại.