Khát vọng hùng cường và vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp tư nhân trụ cột

Khát vọng hùng cường và vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp tư nhân trụ cột

Thứ Năm, 08/05/2025 - 06:25

Chúng ta đang có một ước vọng là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ vươn mình trở thành quốc gia phát triển, với nền kinh tế hùng mạnh, tự chủ và có vị thế trên thế giới.

Nền kinh tế hùng mạnh của bất kỳ quốc gia phát triển nào cũng đều phải dựa trên trụ cột là các tập đoàn kinh tế lớn. Những tập đoàn này không chỉ dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước để làm chủ một lĩnh vực kinh tế, mà còn có vai trò dẫn dắt, khẳng định vị thế, thương hiệu của các sản phẩm trong lĩnh vực đó trên thị trường quốc tế.

Kinh nghiệm các nền kinh tế lớn trên thế giới đã chỉ ra rằng: Một nền kinh tế độc lập, tự cường, thịnh vượng phải là một nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa trên trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước chứ không thể dựa vào nguồn lực bên ngoài hay các nhà đầu tư nước ngoài.

Để trở thành nước công nghiệp, vươn đến thu nhập cao, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Trước, tăng trưởng dựa vào nguồn lực giá rẻ, tài nguyên, thì nay phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, với nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo ra đột phá trong nâng cao năng suất.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là chìa khóa để tạo ra bước phát triển nhảy vọt; phải đi đầu thì mới theo kịp được cái mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ số. Về lĩnh vực này, chúng ta cũng mới, thế giới cũng mới, vậy ai vươn lên đi trước, ai đi nhanh sẽ không chỉ vượt những nước đã phát triển trước, để làm chủ công nghệ và đứng đầu chuỗi giá trị. Chúng ta phải coi trọng tái cấu trúc lại nền kinh tế, sẵn sàng từ bỏ những gì đã lạc hậu và kịp thời nắm bắt xu thế.

Muốn chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, phát triển bứt phá thì phải vươn lên đặt chân vào khâu mang lại giá trị cao trong chuỗi giá trị, làm chủ được các chuỗi cung ứng, làm chủ được các công nghệ sản xuất và tiền sản xuất. Để làm chủ được phải là những doanh nghiệp lớn có đủ sức cạnh tranh để tạo ra chỗ đứng, sân chơi và thu hút được các doanh nghiệp nhỏ đi theo mình, đặt chân vào công đoạn mang lại giá trị cao của chuỗi cung ứng, đồng thời cạnh tranh với đối thủ quốc tế, thay vì chỉ loay hoay ở khâu gia công, lắp ráp và các công đoạn có giá trị thấp.

Giống như hình ảnh đàn chim di cư thường bay theo hình chữ V, trong đó có sự dẫn dắt của con đầu đàn và sự hỗ trợ của cả đàn chim để bay đi được xa. Đó chính là sự hợp tác, hỗ trợ bền chặt. Các doanh nghiệp lớn sẽ dẫn dắt và tạo động lực cho các doanh nghiệp nhỏ vươn mình đi lên. Mặt khác, nếu chỉ để các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với nhau mà không có sự dẫn dắt của "đầu tàu", liên kết phát triển thì rất khó để tạo ra được sức mạnh hợp lực để tạo nên sự bứt phá.

Trong hành trình gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã hình thành nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển song hành cùng với những chuyển biến vĩ đại của nền kinh tế đất nước. Trong kỷ nguyên mới, để chinh phục được các mục tiêu cao hơn, quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp cần được nhân lên, đồng thời, cần có thêm nhiều hơn nữa các doanh nghiệp lớn mạnh có khả năng dẫn dắt, làm trụ cột trong từng ngành, lĩnh vực.

Để tận dụng các cơ hội phát triển mới, các doanh nghiệp Việt phải có đủ tiềm lực về vốn, có khả năng tiếp nhận để tiến tới làm chủ công nghệ, với lực lượng lao động có trình độ cao. Việc làm chủ công nghệ dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phát triển kinh tế số; kết hợp hài hòa giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ có sự kết hợp những thành tựu khoa học kỹ thuật mới mang tính sáng tạo mới tạo ra các bước phát triển nhảy vọt, giúp các doanh nghiệp có tiềm năng có thể vươn lên trở thành tập đoàn lớn mạnh, dẫn đầu.

Các doanh nghiệp Việt phải tập hợp lại để tạo sức mạnh, liên kết để lớn mạnh thực sự, để có thể bắt tay, sánh vai với "người khổng lồ", bởi nếu yếu, có đi cùng cũng bị "đè bẹp". Chúng ta cần phải tái cấu trúc các doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp có đủ sức mạnh phát triển theo hướng bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó các doanh nghiệp tư nhân trong nước phải là đối tác và dần dần trở thành người làm chủ của quá trình, đặc biệt là tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới.

Bên cạnh đó, để có được các tập đoàn lớn mạnh, vai trò "mở đường" của Chính phủ rất quan trọng, không thể để cho các doanh nghiệp tự mày mò, bươn chải mà phải có định hướng thị trường, tạo ra các không gian, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Nói cách khác, dưới góc độ quốc gia, phải xác định rõ chiến lược phát triển những ngành mũi nhọn, lĩnh vực thế mạnh. Từ đó, tập trung nguồn lực, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt đầu tư, phát triển.

Trong quản lý của bộ máy nhà nước các cấp, phải thay đổi tiêu chí đánh giá về hiệu quả quản lý. Không nên chỉ dựa vào việc thực hiện đúng quy định pháp luật, mà phải đánh giá dựa vào kết quả "đầu ra", để vừa là yêu cầu bắt buộc vừa là động lực thúc đẩy các cán bộ trong bộ máy Nhà nước phải đi đầu trong đổi mới, sáng tạo trong quản lý. Tư duy cần dứt khoát thay đổi từ cơ chế "không quản được thì cấm" sang cơ chế "phục vụ" doanh nghiệp. Cần xóa bỏ quan điểm cán bộ công chức, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định được làm, dẫn tới tạo ra những "người máy" xơ cứng, không sáng tạo, vì sáng tạo là sợ sai, sợ vi phạm. Luật đang quy định theo kiểu cầm tay chỉ việc phải chuyển sang trao quyền cho người thực thi được sáng tạo phù hợp và đáp ứng đúng yêu cầu thực tế, đây là điều cần phải đổi mới. Khuôn khổ pháp luật cần tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mặt khác, chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế phải thực sự "thấm" vào trong quan hệ ứng xử với doanh nhân.

Giải quyết tốt các vấn đề này sẽ giải phóng được nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo và giúp doanh nhân toàn tâm, toàn ý, dấn thân thực hiện khát vọng kinh doanh để thực hiện sứ mệnh thời đại là vươn lên làm chủ các lĩnh vực, đảm nhận các khâu có giá trị cao. Tất nhiên, nếu họ kinh doanh gian dối, cố tình vi phạm pháp luật thì phải "thổi còi" ngăn chặn bằng các công cụ quản lý. Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm 30% các thủ tục, chi phí hành chính không cần thiết, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các thủ tục tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, giám sát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Nếu như trước đây, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào đầu tư công, thì đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế này đã được tham gia vào các chương trình đầu tư quốc gia thông qua các đơn đặt hàng của Chính phủ. Đây là điểm tích cực, cho thấy doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể cùng gánh vác những dự án lớn, cũng như gánh vác sứ mệnh phát triển kinh tế lớn lao của đất nước. Cần tiếp tục khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước, thông qua việc đặt hàng giành thị phần, không gian phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp đường sắt, hậu cần, vận tải biển…

Thông điệp "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" được đưa ra vào thời điểm đặc biệt, mang ý nghĩa chiến lược đối với dân tộc. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào từ việc thoát khỏi đói nghèo, trở thành quốc gia thu nhập trung bình, đến việc gia nhập sâu rộng vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới đang chuyển động nhanh hơn bao giờ hết, và Việt Nam cần xác lập một tư duy và tầm nhìn mới để không chỉ bắt kịp mà còn tạo dựng vị thế xứng đáng.

Giai đoạn này được đánh giá là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để Việt Nam tạo ra những bước phát triển nhảy vọt, dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đây là thời điểm khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân đứng lên, nỗ lực hành động để bứt phá.

Doanh nghiệp lớn mạnh hay thành công không phải là ngẫu nhiên hay đơn thuần dựa vào sự hỗ trợ của chính sách mà còn nhờ vào năng lực, tài năng quản trị của các doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp. Đó là sự chấp nhận đánh đổi, sự hy sinh về mặt công sức, trí tuệ, đắm mình trăn trở đối với sự sống còn cũng như vươn mình bứt phá của doanh nghiệp.

Rất nhiều doanh nhân Việt Nam đã được đứng vào hàng ngũ của các tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Chúng ta mong muốn và kỳ vọng rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều doanh nhân đứng vào hàng ngũ những tỷ phú hàng đầu của thế giới.

Tận dụng thời cơ để tạo bước ngoặt chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế là vấn đề hệ trọng, có tính quyết định việc Việt Nam có thể chuyển mình và từng bước vươn lên thành quốc gia phát triển hay không. Nếu không tận dụng được thời cơ, không chuyển đổi được vào các ngành sản xuất, chuỗi cung ứng giá trị cao, mà cứ tiếp tục duy trì mô hình kinh tế gia công, lắp ráp tập trung ở khâu giá trị thấp, đây sẽ là thách thức, trở lực lớn cho các mục tiêu, khát vọng đã đặt ra của Việt Nam.

Tóm lại, để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, chắc chắn cần phải có các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, các doanh nhân thành công đứng ra làm trụ cột trong các ngành chiến lược vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường, đóng góp vào sự phát triển vươn mình của đất nước, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế./.

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Chuỗi đối thoại chính sách với chủ đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đã và đang có thể nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top