Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”

Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”

Thứ Hai, 14/04/2025 - 06:08

Trong hành trình đổi mới đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành thép – với vai trò là nền tảng đã có những đóng góp vô cùng to lớn. Dưới sự dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân, ngành thép trong nước đã có những bước tiến ngoạn mục, giúp Việt Nam dần thoát khỏi thế phụ thuộc vào nước ngoài trong sản xuất công nghiệp.

Tương lai gần, ngành thép vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, những cánh cửa mới mở ra luôn tiềm ẩn nhiều thách thức phải vượt qua. Với đặc thù là một ngành “dễ tổn thương”, ngành thép thường xuyên phải chịu biến động từ các rủi ro phòng vệ giá, cạnh tranh hàng giá rẻ... Theo đó, các doanh nghiệp nếu không có chiến lược phù hợp thì sẽ không dễ để vượt qua rào cản.

Thế nhưng, nhìn từ quá khứ đến hiện tại, các doanh nghiệp tư nhân ngành thép vẫn luôn cứng rắn, kiên cường, và phát triển không ngừng nhờ khả năng thích nghi và sự linh hoạt trong mọi tình huống. Đây cũng chính là lý do vì sao doanh nghiệp tư nhân được tin tưởng để trở thành động lực cần thúc đẩy để ngành thép bứt phá trong những thập kỷ tiếp theo. 

Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

“Đầu tàu” của ngành thép

PV: Trên hành trình đổi mới đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành thép có vị thế ra sao, thưa ông?

Ông Trần Việt Hòa: Ngành thép là ngành cốt lõi của công nghiệp luyện kim đen, là nền tảng để hình thành nên các ngành công nghiệp trọng điểm khác.

Vai trò chính của ngành thép là cung cấp nguyên liệu cho ngành xây dựng trong bối cảnh cần tích cực phát triển cơ sở hạ tầng ở thời kỳ đổi mới theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ việc phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ngành thép đã dần phát triển, khẳng định vị thế và hiện nay đã gần như thay thế 100% mặt hàng thép xây dựng nhập khẩu. Với công suất hàng chục triệu tấn mỗi năm, ngành thép hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cho hoạt động xây dựng.

Ngoài ra, ngành thép còn tạo ra các sản phẩm thép cán tấm nóng, thép chế tạo, thép chất lượng cao để phục vụ nguyên liệu cho các ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu, ô tô, công nghiệp quốc phòng... Hiện nay, sản phẩm thép cán tấm nóng đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước (khoảng 6,82 triệu tấn năm 2024).

Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 1.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 2.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 3.

Ngành thép Việt Nam hiện đã có thể tự chủ sản xuất. (Ảnh minh hoạ)

Nhờ khả năng tự chủ của ngành thép, chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp trong nước dần hoàn thiện hơn, từ đó tối ưu hóa chi phí, nâng cao biên lợi nhuận cho các ngành kinh tế cốt lõi như công nghiệp và xây dựng (đóng góp tới 45,17% cơ cấu GDP cả nước năm 2024). Không dừng lại ở việc đáp ứng thị trường nội địa, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, ngành thép đã được đầu tư mạnh mẽ hơn, sản lượng và chất lượng thép Việt ngày càng được nâng cao, nên từ lâu đã có thể xuất khẩu ra khu vực và thế giới, chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU.

Nhìn chung, ngành thép đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của đất nước. Đồng thời, ngành công nghiệp này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, tạo việc làm và góp phần ổn định cuộc sống cho hàng trăm nghìn lao động.

PV: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn góc nhìn về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đối với sự phát triển của ngành thép Việt Nam? 

Ông Trần Việt Hòa: Đối với ngành thép, thành phần kinh tế tư nhân thực sự đã lĩnh xướng vai trò đầu tàu trong việc đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực và hoạt động hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. 

Trước khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân, ngành thép chủ yếu dựa vào Tổng Công ty thép Việt Nam và các công ty con. Do đó, quy trình sản xuất các sản phẩm thép còn thô sơ, manh mún, chất lượng chưa cao, sản lượng thấp. Trước năm 2000, tổng sản lượng thép thô của cả nước chỉ đạt khoảng 100.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, sau khi đổi mới và mở cửa, việc sản xuất thép và các sản phẩm từ thép đã có sự thay đổi rất đáng kể nhờ sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tư nhân như Hòa Phát, Hoa Sen, Việt Đức... Với tiềm lực vốn có, các doanh nghiệp này đã tập trung đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến, hoàn thiện dây chuyền sản xuất thép với các nhà máy công suất lớn. Từ đó, cho ra các sản phẩm chất lượng cao và đa dạng chủng loại.

Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 4.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 5.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 6.

Nhà máy sản xuất tôn, thép của các doanh nghiệp tư nhân

Đến thời điểm hiện tại, vai trò của Tổng Công ty Thép Việt Nam vẫn được duy trì, song, thị phần và phân khúc thị trường đã giảm đáng kể, nhường chỗ cho sự chiếm lĩnh của khối doanh nghiệp tư nhân. Trong năm 2024, các sản phẩm thép từ khối tư nhân với các 3 nhà sản xuất chính như Hòa Phát, Formosa, VAS Nghi Sơn đạt khoảng 17 triệu tấn thép thô, gấp 5 lần sản lượng của Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Đồng thời, trong hành trình nâng cao vị thế thép Việt trên thế giới, doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện được khả năng nắm bắt cơ hội và điều chỉnh kịp thời để thích nghi với các tiêu chuẩn, yêu cầu gắt gao, từ đó vượt qua các thách thức, nhất là rào cản thương mại khi tiếp cận các thị trường khó tính. 

Chẳng hạn, các doanh nghiệp tư nhân đã chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng vệ như thu mua, hoán đổi hay tự kiểm kê lượng phát thải carbon trong sản xuất thép, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng,… để đáp ứng yêu cầu của EU khi Cơ chế Biên giới carbon – CBAM chính thức có hiệu lực vào 01/01/2026. 

Tôn mạ - mắt xích quan trọng

PV: Ngành thép hiện nay đã được chú trọng đầu tư theo chiều sâu, chuỗi giá trị ngành thép tại Việt Nam từ đó cũng dần khép kín. Trong đó, tôn mạ được xem là mắt xích quan trọng của ngành. Vậy theo ông, cho đến nay, ngành tôn mạ của chúng ta đang như thế nào?

Ông Trần Việt Hòa: Sản xuất tôn mạ là một trong những phân khúc lớn trong chuỗi giá trị của ngành thép. Theo đó, sản xuất tôn mạ là giai đoạn chế biến sâu từ thép cán nguội, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và mở rộng ứng dụng của thép trong nhiều lĩnh vực khác nhau như là cầu nối giữa ngành thép cơ bản (thép cán nóng, thép cán nguội) với các ngành công nghiệp hạ nguồn như xây dựng, ô tô, điện tử và gia dụng.

Với khả năng ứng dụng rộng rãi và nhu cầu cao của thị trường, tôn mạ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các ngành sản xuất như:

- Xây dựng: Tôn mạ kẽm, tôn mạ màu được sử dụng phổ biến trong các công trình dân dụng và công nghiệp.

- Ngành ô tô: Các bộ phận thân xe, khung xe thường sử dụng thép mạ kẽm để chống ăn mòn.

- Thiết bị gia dụng: Sản xuất vỏ máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng...

- Ngành điện và công nghiệp khác: Ống thép, trụ điện, tủ điện, kết cấu kim loại…

Các dữ liệu thực tế hiện nay cho thấy, ngành tôn mạ đã tiếp cận được các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU. Với EU, tôn mạ Việt Nam thậm chí đã chiếm được một thị phần lớn với trên 56%. Việc có được thị phần lớn của các thị trường khó tính có thể minh chứng cho khả năng thích ứng và sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước.

Ngành sản xuất tôn mạ tại Việt Nam đang được vận hành bởi 100% khu vực tư nhân ngoài quốc doanh và chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm. Nhiều công ty nội địa đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này và đạt được thị phần đáng kể. Ví dụ, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dẫn đầu thị trường với 25,5% thị phần nội địa và 30,5% thị phần xuất khẩu vào cuối năm 2023. Tương tự, Tôn Đông Á chiếm khoảng 15,5% thị phần sản xuất thép tôn mạ tại Việt Nam.

Cơ hội vươn mình

PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng của ngành thép Việt Nam?

Ông Trần Việt Hòa: Theo đánh giá của tôi, ngành thép vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai gần (đến năm 2030, 2035). Bởi dựa trên mục tiêu phát triển đất nước để bước vào kỷ nguyên vươn mình, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh. Để hoàn thành mục tiêu này, việc đầu tư phát triển hạ tầng là rất cấp thiết.

Hiện nay, chúng ta đang có loạt dự án đầu tư công với quy mô vốn khủng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam...

Đồng thời, với những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc và xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, thị trường bất động sản trong nước cũng dần khởi sắc. Đây hoàn toàn là những tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ thép.

Đối với thị trường quốc tế, các biến động lớn về kinh tế - chính trị toàn cầu hiện đang có xu hướng ngày càng căng thẳng và có nguy cơ bùng nổ xung đột giữa các nền kinh tế. Qua đó, làm thay đổi đáng kể các nhà sản xuất truyền thống, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu toàn cầu,... Điều này cũng có thể được xem là một cơ hội để thép Việt tiếp cận các thị trường mới, khó tính, thay thế các sản phẩm truyền thống nếu chúng ta có sự thay đổi kịp thời, linh hoạt.

Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trần Việt Hoà
Với những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc và xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, thị trường bất động sản trong nước cũng dần khởi sắc. Đây hoàn toàn là những tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ thép.

Áp lực song hành

PV: Rõ ràng, ngành thép Việt Nam có nhiều dư địa phát triển trong tương lai ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Song, cùng với đó thì những thách thức mà ngành công nghiệp này có thể phải đối mặt là gì, thưa ông?

Ông Trần Việt Hòa: Theo mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành thép đang được Bộ Công Thương xây dựng, đến năm 2030, công suất sản xuất thép của các nhà máy luyện kim trong nước tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt từ 40 đến 45 triệu tấn mỗi năm; tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm từ 5 - 7%; tiêu thụ thép 270 - 280 kg/người/năm.

Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới, tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu đến năm 2030 chỉ đạt khoảng 1 - 1,5%/năm. Mức dự báo tăng trưởng lệch pha giữa cung và cầu có thể là một mối e ngại cho sự phát triển ngành thép. 

Bản chất là một ngành “dễ tổn thương”, thường xuyên phải chịu tác động tiêu cực từ biến động giá đầu vào cũng như rào cản phòng vệ thương mại của các nền kinh tế, ngành thép từ trước đến nay luôn có gánh nặng tồn kho. Nếu nhu cầu tăng trưởng chậm, sẽ xuất hiện tình trạng dư cung, tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong ngành.

Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 7.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 8.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 9.

Ngành thép thường xuyên phải đối mặt với rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt

Bên cạnh đó, khi cả thế giới đang hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một ngành công nghiệp nặng như luyện thép cũng phải đối mặt với áp lực xanh hóa. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, duy trì sản xuất thậm chí bị đào thải.

Ngoài ra, các căng thẳng địa chính trị toàn cầu cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh khốc liệt về giá, về nhà cung cấp nguyên liệu.

Riêng đối với tôn mạ, năm 2024 sản lượng xuất khẩu tôn mạ đạt khoảng 2,99 triệu tấn, với tổng giá trị đạt khoảng 170 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm tôn mạ Việt Nam là ASEAN, Hoa Kỳ, EU với tỷ trọng hạn ngạch tương đối cao. Riêng tại EU, từ tháng 4/2025, tôn mạ Việt sẽ bị giảm hạn ngạch xuống khoảng 140.000 tấn/năm. Đây là một khó khăn lớn cho ngành sản xuất tôn mạ Việt Nam.

Bệ đỡ chính sách

PV: Với những cơ hội và thách thức nêu trên, xin ông đề xuất một số giải pháp về chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa?

Ông Trần Việt Hòa: Xu hướng phát triển kinh tế tự do, toàn cầu hóa đã có nhiều thay đổi. Các nền kinh tế lớn đã có sự thay đổi về cách tiếp cận cuộc chơi, thay vì phát triển tự do hóa thương mại, họ chuyển sang áp đặt các hàng rào kỹ thuật, tăng thuế phòng vệ để bảo hộ nhà sản xuất trong nước. Đây vừa là một thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam phát triển nếu biết tận dụng tốt các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đặt ra các chính sách đối sách kịp thời, phục vụ phát triển sản xuất trong nước, nắm bắt xu thế phát triển và dẫn dắt nền kinh tế.

Theo tôi, chính sách đầu tiên mà Nhà nước cần chú trọng là phòng vệ thương mại. Bởi đây là chính sách chủ đạo để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước hàng hóa nhập khẩu ồ ạt hoặc bán phá giá. Hiện nay, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ với thép và các sản phẩm từ thép như tôn mạ. Điển hình như mới đây, Bộ đã ban hành Quyết định số 914⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc (cao nhất là 37,13%) và Hàn Quốc (cao nhất là 15,67%).

Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần sớm vào cuộc để nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khoa học, kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa trong nước. Chúng ta cần có một chính sách phòng vệ đồng bộ, hiệu quả từ các bộ, ngành trong bối cảnh cạnh tranh ngành càng khó khăn như hiện nay để phát triển sản xuất trong nước, nhất là với ngành thép.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi tín dụng, bởi tiền là máu của nền kinh tế. Đơn cử như đối với ngành tôn mạ, các doanh nghiệp hầu hết là doanh nghiệp trong nước, với nguồn lực cũng như kinh nghiệm, công nghệ còn hạn chế. Do đó, việc tiếp cận được với các chính sách tín dụng và tài chính ưu đãi sẽ là đòn bẩy để nâng tầm các doanh nghiệp trong nước. Chỉ có một nguồn lực tài chính đủ mạnh, đủ vững chắc, chúng ta mới có thể tự tin đầu tư, phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Để ngành thép phát triển sâu hơn, Nhà nước cần hỗ trợ đổi mới công nghệ & chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Những năm gần đây, chính sách này đang được đẩy mạnh trên nhiều phương diện, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, hiện đại hóa sản xuất, và xây dựng nền kinh tế số. Đặc biệt Nghị quyết 57 -NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị có vai trò rất quan trọng và mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong thời kỳ mới. Đây được xem là cột mốc lớn trong tư duy phát triển của Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp được xác định là trung tâm đổi mới sáng tạo, các chính sách sẽ hướng tới đối tượng doanh nghiệp nhiều hơn, cụ thể hơn.

Ngoài ra, một số chính sách về hỗ trợ xúc tiến thương mại & mở rộng thị trường hay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là các chính sách quan trọng cần thiết để phát triển sản xuất trong nước.

Năng lực nội sinh

PV: Đó là những điều mà Nhà nước có thể thực hiện để tạo điều kiện cho ngành thép tăng trưởng mạnh mẽ, vậy với riêng các doanh nghiệp tư nhân thì sao? Theo ông, họ cần làm gì để thích ứng với khó khăn và nắm bắt được các cơ hội?

Ông Trần Việt Hòa: Riêng nhóm doanh nghiệp ngành thép, tôi cho rằng trước hết, họ phải chủ động thích ứng với chính sách thương mại quốc tế. Đặc thù ngành thép có tỷ trọng xuất khẩu tương đối cao, do đó thường gặp phải các rào cản thương mại như tự vệ, chống bán phá giá hay hạn ngạch (đặc biệt từ EU, Mỹ). Lúc này, doanh nghiệp cần tối ưu hóa tỷ lệ sử dụng hạn ngạch và chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng thuế suất ưu đãi từ các FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP…

Cùng với đó, để hạn chế rủi ro thì các doanh nghiệp nên tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu, thay vì phụ thuộc vào một thị trường lớn nào đó. Các doanh nghiệp cần chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ quốc tế, mở văn phòng đại diện tại nước ngoài và tìm kiếm đối tác phân phối khu vực.

Thêm nữa, để mang thép Việt tiến sâu hơn vào các thị trường, doanh nghiệp cũng cần tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng yêu cầu về ESG và CBAM (thuế carbon)... 

Theo đó, với những nỗ lực thúc đẩy từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp nên chủ động tiếp cận các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hoạt động của mình, nhận chuyển giao công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ. Tự nâng cao năng lực của mình là cách các doanh nghiệp nội địa tự bảo vệ mình một cách tốt nhất, chủ động nhất.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể cân nhắc thay đổi định hướng chiến lược của mình bằng cách chuyển dịch sang sản phẩm cao cấp nhằm tạo lợi thế riêng biệt. Ví dụ như doanh nghiệp tôn mạ có thể tập trung vào các dòng tôn mạ hợp kim, tôn lạnh, tôn màu cao cấp có giá trị gia tăng cao và ít cạnh tranh.

Về khía cạnh môi trường, các doanh nghiệp khi đầu tư khi đầu tư phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường trong sản xuất như bụi, tiếng ồn, nước thải, khí thải phải được nhận diện và có biện pháp xử lý, giảm thiểu tác động đến môi trường. Các dây chuyền công nghệ được tự động hóa tối đa, hạn chế việc công nhân, người lao động phải làm việc trực tiếp với máy móc, thiết bị,… Những yếu tố này đã giúp việc giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất gang thép đến môi trường, người lao động cũng như giúp các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn, sạch hơn, bền vững hơn.

Cuối cùng, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị tài chính và có sự linh hoạt trong việc sử dụng nguồn lực. Trải qua giai đoạn khó khăn 2022 – 2023 với thực trạng giá thép lao dốc và tồn kho cao, doanh nghiệp cũng phần nào hiểu được tầm quan trọng của việc quản trị tài chính doanh nghiệp. Còn ở hiện tại, trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc tối ưu quản lý hàng tồn và giữ được dòng tiền ổn định là yêu cầu hết sức cấp thiết. Các doanh nghiệp nên đẩy mạnh chuyển đổi số, ERP, và minh bạch báo cáo tài chính để nâng cao sự uy tín với nhà đầu tư, qua đó duy trì kênh huy động vốn.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi luôn tin vào năng lực thích nghi và sự linh hoạt của doanh nghiệp tư nhân ngành thép.

Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hơn nữa để ngành công nghiệp thép bứt phá”- Ảnh 10.Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)

PV: Điều gì ở doanh nghiệp tư nhân khiến ông tin tưởng rằng họ có thể đưa ngành thép bứt phá mạnh mẽ hơn trong tương lai gần?

Ông Trần Việt Hòa: Kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Tôi thấy rằng ở khối tư nhân, họ có lợi thế đặc biệt là khả năng thích nghi tốt với thị trường, và yếu tố then chốt nằm ở sự linh hoạt. Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi chiến lược chuyển hướng về thị trường nội địa. Ví dụ, Hoa Sen và Nam Kim đã linh hoạt chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường ít rào cản hơn khi EU thắt hạn ngạch; Nam Kim hiện xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia, không quá phụ thuộc vào một thị trường lớn nào...

Nhìn rộng ra toàn nền kinh tế Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và thế giới. Ở giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp tư nhân đều đóng vai trò trụ cột, góp sức gánh vác những trọng trách lớn cho đất nước, đồng thời tạo nên "đòn bẩy” để đưa kinh tế nhanh chóng hồi phục và bứt phá.

Kinh tế tư nhân đã được xác định là một trong những động lực để Việt Nam chuyển sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Vì vậy, cần đặt hoạt động kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những tập đoàn lớn vào đúng với vị trí của họ để họ đóng góp cho xã hội, đóng góp cho tăng trưởng./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Mùa xuân năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được xem xét, định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nghị quyết mới về kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Đầu tháng 3, chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, xóa bỏ những định kiến, tư duy không đúng để tạo sự thay đổi trong "ứng xử" và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân.

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.

Chuỗi đối thoại chính sách với chủ đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đang nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top