Khám phá

Amsterdam – loanh quanh phố thị

Khám phá - 06:00, 23/10/2021 G10T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Amsterdam là trang đầu tiên trong hành trình xuất ngoại và tác nghiệp ở nước ngoài của tôi khi đến đây thực hiện Dự án ảnh “Immigrations – Nhập cư” cùng 20 đồng nghiệp ở các quốc gia khác.

Tháng 12/2003, tôi khăn gói quả mướp một mình bay đến Amsterdam, Hà Lan. Dù là phóng viên ảnh duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia “Diễn đàn Nhiếp ảnh Trẻ Á – Âu” do World Press Photo tổ chức nhưng các thủ tục phỏng vấn xin visa Schengen vẫn phải tự mình làm. Vốn liếng “bập bõm” sau khóa học tiếng Anh cấp tốc, người phỏng vấn của Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội khi đó hẳn phải buồn cười lắm khi candidate phải mang cả ba lô máy ảnh để khẳng định lý do xin visa là chính đáng.

Cung điện Hoàng gia và quảng trường Dam, địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử và kiến trúc độc đáo của Amsterdam. Dam square cũng chính là điểm đầu tiên mà thành phố được xây dựng và hình thành với cái tên “Amsterdam” được ghép từ Dam và tên con sông Amstel chảy qua.

Chuyến bay từ Hà Nội đến Paris mất 12 tiếng, máy bay hạ cánh xuống sân bay Charles de Gaulle đúng lúc bình minh lên. Phải nói thêm rằng, sang Hà Lan thực hiện dự án ảnh “Immigrations Nhập cư” thì chính tôi bị cảnh sát Pháp giữ lại, suýt nhỡ chuyến bay nối sang Amsterdam cũng vì vấn nạn nhập cư bất hợp pháp. Khi quá cảnh ở sân bay Charles de Gaulle hôm đó có những người nhập cư bất hợp pháp bị cảnh sát phát hiện, tôi lọt vào tình cờ nên họ nghi ngờ và kiểm tra. Một lần nữa, cứu cánh lại vẫn là dàn máy ảnh, chứng minh việc quá cảnh khi cảnh sát thì nói tiếng Pháp còn tôi, người trong diện càng bị “nghi ngờ” vì thứ tiếng Anh bập bõm. May vẫn còn kịp chuyến bay nhưng là vị khách cuối cùng lên tàu từ Charles de Gaulle, Paris đến sân bay Schiphol của “Venice phương Bắc” Amsterdam.

Đạp xe qua những con phố nhỏ, nhìn ngắm cuộc sống và những công trình kiến trúc cổ kính là một trong những trải nghiệm khó quên khi tới Amsterdam. Trong ảnh là những mảng kính trang trí mosaics bên trong một nhà thờ ở khu phố cổ.

Suốt chục ngày lang thang ở Amsterdam, tôi đã gặp cả chục gương mặt nhập cư ở Thủ đô của quốc gia đa chủng tộc và văn hoá bậc nhất thế giới này, trong đó có cả người Việt Nam. Có hơn 200 quốc tịch khác nhau nhập cư đến Hà Lan sinh sống, nhác qua trông Amsterdam lộn xộn bởi nền văn hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau do người nhập cư mang theo hóa ra lại chính là những thứ chờ đợi để khám phá. Thời gian ít ỏi, tôi phải cùng lúc bấm máy cho những chuyện ảnh của World Press Photo, lại tranh thủ lượn vài vòng loanh quanh Amsterdam, thành phố của những khám phá bất tận trong chút thời gian hạn hữu.

Cũng giống như phố cổ Hà Nội, Ams old centre là nơi tập trung rất nhiều các công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của thành phố.
Được biết đến là đất nước của cối xay gió, phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước, chống ngập úng và cải tạo đất, làng Zaanse Schans gần ở ngoại thành Amsterdam là nơi còn nhiều chiếc đang hoạt động thu hút du khách đến thăm.

Cũng thật duyên và may nhờ Laura, cô gái tóc vàng sinh ra ở thành phố Amsterdam và làm việc cho World Press Photo dẫn đường, tôi không chỉ thực hiện thành công phóng sự muôn mặt nhập cư mà còn nghe cô kể những câu chuyện về “vùng đất thấp”. Ngay tên gọi “xứ sở hoa tulip” là “Nertheland” đã mang nghĩa là “vùng đất trũng” hay “vùng đất thấp” bởi Thủ đô Amsterdam chỉ cao hơn mặt biển 0,7m, thậm chí có những nơi thấp hơn. Xưa kia vốn là một làng chài nhỏ bên bờ sông Amstel, Thủ đô của Hà Lan vốn là vùng đất nằm thấp hơn mực nước biển gần hai mét, nơi luôn phải đối diện với nguy cơ bị xóa sổ bởi lũ lụt triền miên.

Được ví như "Venice của phương Bắc" với hơn 160 kênh đào đan xen chằng chịt trong thành phố. Vừa điều hòa khí hậu, vừa trang điểm cho Amsterdam thêm duyên dáng với những tòa nhà cổ kính nằm dọc hai bên bờ kênh, thanh bình soi bóng xuống dòng nước êm ả.

Năm 1270, khi xây dựng con đê ngăn lũ đầu tiên, người Hà Lan đã đặt tên Amsterdam với ý nghĩa “con đê trên dòng Amstel”. Cùng với nhiều lần mở rộng, một Amsterdam diện tích rộng tới 219 km2 như hiện nay là một kỳ tích khiến bất kỳ người Hà Lan nào như Laura cũng tự hào “thượng đế tạo ra biển, người Hà Lan tạo ra đất liền”. Nhiều con kênh đào đan xen chằng chịt với tổng chiều dài hàng trăm km và hơn 1.500 cây cầu cũng đã được xây dựng, tỏa đi khắp nơi khiến bao lữ khách lạc lối khi đến đây.

Nếu có thời gian dã ngoại trong công viên ở Amsterdam, không thể bỏ qua Vondelpark, nơi có nhiều con đường xe đạp và đi bộ với bầu không khí thật trong lành buổi sớm mai.
Lịch sử bóng đá Hà Lan từng ghi nhận nhiều tuyển thủ có gốc gác nước ngoài nhưng những cái tên đến từ quốc gia nhỏ bé Suriname như Gullit, Rjikaard, De Jong. Nhiều em bé có gốc nhập cư đều muốn đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp như cậu bé trên đường phố Amsterdam trong ảnh.
Dạo bước trên những cây cầu ngang dòng kênh hay những con đường lát đá nhẵn bóng theo thời gian ở Amsterdam, chẳng khó khăn để bắt gặp những chiếc xe đạp của ai đó treo trên cây cầu nhỏ.

“Venice phương Bắc” còn được coi là “Thủ đô nhiều xe đạp nhất thế giới”. Laura nói với tôi rằng, ở đất nước cô dù bất kể giàu nghèo ai cũng đều sắm cho mình chiếc xe đạp. Trong cuốn sách “In the city of bikes”, một người Mỹ đến Amsterdam để nghiên cứu về trào lưu đạp xe của thành phố đã chứng minh rằng, số lượng xe đạp ở Hà Lan còn nhiều hơn cả người dân của đất nước này. Và có thêm một điều thú vị mà ông chưa kịp cập nhật là trung bình có 25.000 xe đạp ở Amsterdam mỗi năm kết thúc tuổi thọ của mình ở những kênh đào, trong số đó chỉ có khoảng 8.000 chiếc được vớt lên và mang đi phục hồi.

Cũng giống các đô thị cổ của châu Âu, Amsterdam cũng là nơi có nhiều nhà thờ cổ trong không gian kiến trúc đô thị với tòa tháp vươn cao tạo điểm nhấn.
Chỉ khoảng 20 Euro, có thể chọn một tour vòng quanh Amsterdam bằng xe đạp, loanh quanh khắp mọi nẻo đường, nhất là sâu trong những con ngõ nhỏ ở Ams old centre…
… nơi thu hút đông khách tham quan bởi có nhiều hàng quán và những công trình kiến trúc truyền thống.

Bất kỳ du khách nào đến Amsterdam mà không ghé qua phố đèn đỏ thì quả là điều đáng tiếc, với tôi đó lại là một trong những điểm đến phải thực hiện phóng sự theo yêu cầu của Ban tổ chức. Khu đèn đỏ lớn và nổi tiếng nhất thế giới này đón cả nghìn du khách và được xem là “biểu tượng cho sự phóng khoáng của đất nước Hà Lan” khi thành phố lên đèn. Bên trong các ô kính tô điểm bởi ánh sáng đỏ đầy mê hoặc là các “nàng Kiều” từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về.

Rong ruổi xe đạp trên những con phố còn để thưởng thức những món ăn đường phố rất riêng của Amsterdam như “Broodje bal” (thịt viên), Croquette, bánh nướng Stroopwafel... Đặc biệt, có cả quầy bán món nem rán Việt Nam của chú An, một Việt kiều định cư lâu năm ở Amsterdam.  

Chưa đủ thời gian cảm nhận hết phố thị Amsterdam sau lần đầu tiên đặt chân đến “vùng đất thấp” nên tôi vẫn mong một lần trở lại. Đó sẽ là cơ hội để mải miết bấm máy trên những cánh đồng tulip trải dài bất tận, ghé thăm những xưởng sản xuất guốc gỗ ở Amsterdam để hiểu ý nghĩa của món quà lưu niệm rất đặc trưng từ Hà Lan này… Amsterdam đợi nhé!

Trọng Chính
Lê Quyên
23/10/2021 06:00
Bạn đang đọc bài viết Amsterdam – loanh quanh phố thị tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục