Khám phá

Cánh đồng vàng trên lưng chừng trời Y Tý

Khám phá - 06:08, 16/08/2022 G8T+7 - Tùng Dương

Trên đường lên Y Tý, bạn sẽ thấy trên vách núi cao có những ngôi nhà thấp thoáng trong mây. Có lẽ vì vậy mà khi lên đây, khách du lịch cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, tách biệt với trần gian.

Y Tý là xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San mà đỉnh của nó cao tới 2.660m, gần như quanh năm mây phủ. Đường lên Y Tý ngoằn ngoèo lượn theo triền núi với một bên là vực sâu, có đoạn lại chìm vào tán rừng già nguyên sinh. Trên đường lên Y Tý, bạn sẽ thấy trên vách núi cao có những ngôi nhà thấp thoáng trong mây. Có lẽ vì vậy mà khi lên đây, khách du lịch cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, tách biệt với trần gian.

Từ thành phố Lào Cai vượt gần 90km trong 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi đặt chân đến Y Tý. Bây giờ đã vào tầm 3 giờ chiều, ánh nắng vàng nhẹ trải dài bao phủ những thửa ruộng bậc thang đang vào độ thu hoạch. Thấp thoáng màu áo của đồng bào dân tộc Dao, Mông và Hà Nhì đang gánh lúa về. Lúa trên xã Y Tý thường chín và thu hoạch bắt đầu từ tháng 8.

Cánh đồng lúa xã A Lù

Cách Y Tý 15km là cánh đồng của xã A Lù, nơi đây có địa hình tương đối bằng phẳng nên phong cảnh rất đẹp. Lúa chín thành từng vạt vàng xen lẫn vạt xanh tạo cho không gian như một bức thảm nhung khổng lồ. Dừng xe tiến đến gần mép đá là bạn đã có thể thấy cảnh sinh hoạt của đồng bào Mông phía cánh đồng bên dưới. Lúc này nắng đã gần khuất sau đỉnh núi, những tia nắng hình dẻ quạt chiếu thành từng đốm sáng nhỏ trên cánh đồng vàng rực. Đây cũng là thời cơ cho những người yêu nhiếp ảnh.

Y Tý nổi tiếng với thung lũng Thiên Sinh, đây là một lòng chảo rộng lớn với những thửa ruộng bậc thang. Nơi đây chỉ cách Trung Quốc một con suối nhỏ với cây cầu đá. Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu đá nhỏ có tên là Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là “trời sinh”. Sở dĩ gọi vậy là vì đây là cây cầu rất đặc biệt, cầu chỉ ngắn chừng 1m, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Muốn đến địa danh này, bạn có thể đi xe máy từ cuối thôn Lao Chải, cầu cách trung tâm xã Ý Tý gần chục km. Từ trên đường vắt ngang đỉnh núi nhìn xuống Thiên Sinh là những đám mây trắng bông bảng lảng.

Nơi đây còn được gọi là sông mây bởi khoảng cách từ đường giao thông xuống tới mặt ruộng là gần 1km. Muốn ngắm ruộng ở thung lũng này bạn phải ngồi rình, nắng vàng nhẹ, mây trắng đứng lặng im chờ những cơn gió nhẹ mở ra cảnh vật bên dưới rồi lại nhanh tróng bao phủ. Cánh đồng bên dưới lúc ẩn, lúc hiện. Thời điểm chụp ảnh đẹp nhất ở thung lũng này là 17h và kéo dài chừng 30 phút đồng hồ. Sau đó là hết ánh mặt trời.

Nhận phòng nghỉ đêm ở nhà cô Si, gọi là phòng chứ thực ra đây là một cái nhà sàn rộng với những tấm đệm cỏ, được cái sạch sẽ và chăn màn đầy đủ. Giá ngủ mỗi khách một đêm là 70.000 đồng bao gồm tắm nóng lạnh. Đặc biệt cô Si đi hái lá thuốc tươi trong rừng về đun làm nước tắm cho du khách nào mỏi mệt, cũng khá thú vị.

Bữa cơm tối trong không khí se lạnh vùng cao, mây giăng mờ mịt khắp nơi. Cả bọn quây quần bên mâm cơm với những thức ăn đặc trưng của vùng cao như xôi nếp, gà đen nướng, măng vầu luộc, rau cải mèo, măng muối chua với ớt và đặc biệt là chai rượu Sim San. Thôn Sim San, xã Y Tý, huyện Bát Xát có 49 hộ người dân tộc Dao sinh sống.

Đây là một thôn với đường giao thông trắc trở, thời tiết khắc nghiệt, quanh năm ẩm ướt, mây mù bao phủ. Nhưng Sim San có một lợi thế đặc trưng từ mạch nước nguồn và thời tiết. Nhờ đó đã trở thành thôn duy nhất của xã Y Tý nấu được rượu đặc sản rất thơm ngon, có tên gắn liền với địa danh đó. Men lá của người Dao Sim San chỉ được làm bằng 3 loại hạt và quả gồm ớt khô, một loại hạt giống như hạt kê rồi trộn với 2 loại quả đem xay nhỏ và nắm thành từng nắm, phơi khô. Men này trộn đều tỷ lệ với thóc đã được hấp chín rồi đem ủ. Sau đó mới nấu thành rượu.

Sau một đêm ngon giấc, ánh mặt trời chiếu qua khe cửa đã đánh thức cả bọn. Hành trình sáng nay là xuống thăm xã Lao Chải với ba bản của người Hà Nhì Đen sinh sống. Một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống ở đây. Đường xuống bản cũng quanh co, uốn lượn. Tới đầu bản đã thấy những nếp nhà với kiến trúc nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì. Kiểu nhà hình chữ nhật, tường đất nện dày 50cm với tác dụng ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Mái tranh nhà trình tường nhọn hình kim tự tháp được lợp bằng cỏ tranh và gỗ. Mỗi nhà có một cửa ra vào và hai cửa sổ nhỏ hình vuông để lấy ánh sáng và cũng là thoát khói vì người Hà Nhì Đen đun bếp ngay giữa nhà.

Những thửa ruộng lúa chín vàng thấp thoáng trong mây
Xã Lao Chải với ba bản của người Hà Nhì Đen sinh sống trong những ngôi nhà trình tường
Người dân trên đỉnh núi xã Y Tý
Người Hà Nhì thường đặt bếp củi giữa nhà
Nhà trình tường của người Hà Nhì trên đỉnh núi
Lúa ở xã Y Tý thường cấy trồng vào tháng 5
Những cánh đồng lúa nối nhau từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác
Những ngôi nhà nhỏ xen kẽ giữa cánh đồng lúa
Thung lũng lúa Sàng Ma Sáo
Công việc hàng ngày của người dân vùng cao Y Tý
Đường lên Y Tý thoắt ẩn thoắt hiện trong mây mù
Những thửa ruộng với nhiều hình thù lạ mắt
Ruộng lúa được canh tác lựa theo địa hình đồi núi không bằng phẳng
Do địa hình núi cao, nguồn nước khan hiếm nên có ruộng cấy trước, ruộng đợi nước cấy sau nên lúa chín không đều
Từ Lào Cai lên đến Y Tý bạn phải đi ô tô tầm 5 tiếng đồng hồ
Lúa trên Y Tý một năm chỉ canh tác được một vụ vì thiếu nước
Y Tý nổi tiếng với thung lũng Thiên Sinh, đây là một lòng chảo rộng lớn với những thửa ruộng bậc thang
Đường lên Y Tý

 

Bạn đang đọc bài viết Cánh đồng vàng trên lưng chừng trời Y Tý tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục