Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"

Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"

An Vy
An Vy pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 28/05/2025 - 06:38

Những cánh đồng mía xanh ngút ngàn, nơi công nghệ 4.0 đang dần thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp truyền thống; những nhà máy điện mặt trời vươn mình đón nắng, góp phần vào nguồn năng lượng sạch của quốc gia; những khu đô thị không chỉ là nơi ở mà còn là tổ ấm hạnh phúc; hay những khu du lịch sinh thái, nơi du khách được hòa mình vào thiên nhiên và khám phá những giá trị văn hóa bản địa... Đó là những mảnh ghép chính trong bức tranh đa sắc màu của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).

Được thành lập từ năm 1979, câu chuyện phát triển của TTC Group không chỉ là câu chuyện kinh doanh, mà đó còn là sự nỗ lực không ngừng để trở thành một người đồng hành tin cậy của cộng đồng và các địa phương, kiến tạo những giá trị bền vững cùng những khát vọng lớn lao trên hành trình vươn mình.

**********

Trong một kết nối gần đây, phóng viên Reatimes đã có dịp gặp gỡ GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, một nhà nghiên cứu kinh tế tâm huyết. Cuộc trò chuyện diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết 68 vừa được ban hành, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho kinh tế tư nhân Việt Nam. 

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái cho rằng, lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh, kinh tế tư nhân là nền tảng của kinh tế thị trường. Ở Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận từ Đại hội VI của Đảng (12/1986) và nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và tự tin hội nhập quốc tế. Đến nay, kinh tế tư nhân đã thực sự được nhìn nhận là một động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế. Tư tưởng đổi mới của Đảng đang tạo ra động lực mạnh mẽ cho tinh thần kinh doanh, mở ra một giai đoạn phát triển mới và xóa bỏ những định kiến trước đây về kinh tế tư nhân.

"Nghị quyết 68 ra đời, tạo nền tảng cho việc xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân, đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp; tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế... Sứ mệnh và tầm nhìn của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới đã được định vị rõ ràng và đang có nhiều giải pháp đột phá được xây dựng để thúc đẩy kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp vươn lên, phát huy sức mạnh và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế", GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh. 

Nhìn lại dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình phát triển cùng đất nước trong gần 40 năm đổi mới, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái ấn tượng với những bước chuyển mình của TTC Group - Tập đoàn được dẫn dắt bởi một doanh nhân bản lĩnh, máu lửa và giàu khát vọng - doanh nhân Đặng Văn Thành. 

TTC Group hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: Nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, du lịch, giáo dục.

Nông nghiệp đang là mảng kinh doanh cốt lõi trong hệ sinh thái TTC Group với pháp nhân chính là TTC AgriS (Mã: SBT). Công ty sở hữu vùng nguyên liệu xuyên biên giới hơn 71.000ha, sản xuất gần 4.700 tấn đường mỗi ngày và chiếm 46% thị phần ngành đường Việt Nam.

Ở mảng năng lượng, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEG) là đơn vị chủ lực của TTC Group, sở hữu 23 nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió với tổng công suất vận hành gần 800Mwp.

Ở mảng bất động sản, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - Mã: SCR) sở hữu quỹ đất 1.875ha với gần 30 dự án trọng điểm và gần 15.000 sản phẩm công bố ra thị trường.

Trong mảng du lịch, Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality - Mã: VNG) là đơn vị chủ lực, hoạt động khép kín trong 4 lĩnh vực: Lưu trú, vui chơi, trung tâm hội nghị/nhà hàng, lữ hành. TTC Hospitality đã kiến tạo gần 20 điểm đến tại các tỉnh, thành du lịch trọng điểm cả nước, như: Huế, Hội An, Nha Trang, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phan Thiết, Đà Lạt, TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ và 1 điểm đến tại thành phố Siem Reap (Campuchia).

Trong lĩnh vực giáo dục, năm 2022, Trường Đại học Yersin Đà Lạt trở thành thành viên trong hệ sinh thái của TTC Group. Đây là một ngành nhân văn và là danh mục được Tập đoàn TTC quan tâm vì liên quan mật thiết đến các vấn đề xã hội.

Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 1.

Tập đoàn Thành Thành Công (TTC group) là một trong những tập đoàn lớn, đa ngành nghề tại Việt Nam. Hiện TTC hoạt động trong 5 lĩnh vực chính gồm: Nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, du lịch và giáo dục.

PV: Thưa GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, trong các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, khi nhắc đến TTC Group của doanh nhân Đặng Văn Thành, điều gì khiến ông gợi nhớ về doanh nghiệp này?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Có lẽ điều đầu tiên tôi nghĩ đến là thương hiệu “Đường Biên Hòa”, nay là TTC AgiS - đã trở nên rất quen thuộc với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.

PV: Từ gợi nhớ đó, ông có cảm nhận như thế nào về doanh nghiệp tư nhân này?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Các tập đoàn gia đình ở Việt Nam, dù mới chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ trong khoảng vài chục năm trở lại đây, nhưng đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình. TTC Group cũng vậy. Họ cùng với những doanh nghiệp như Vingroup, Sun Group, BRG Group, T&T Group… nỗ lực vươn lên, không chỉ trở thành những tập đoàn hàng đầu mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế.

Không chỉ góp phần vào những con số GDP ấn tượng, mà quan trọng hơn, họ đã chứng minh được năng lực của doanh nghiệp Việt trong việc xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô, và từng bước vươn ra khu vực và thế giới.

Riêng với TTC Group - doanh nghiệp hoạt động theo mô hình đa ngành (nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, du lịch, giáo dục) là minh chứng rõ nét cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, và khát vọng cống hiến của doanh nhân Việt. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Đảng và Nhà nước hiện nay đang có sự thay đổi lớn trong tư duy quản lý, tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới nền kinh tế.

PV: Từ một cơ sở sản xuất cồn và CO2 “vươn mình” trở thành một trong những tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu Việt Nam, theo ông, đâu là điều kiện tiên quyết giúp TTC Group có được thành công như hiện nay?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Theo tôi, có ba điều kiện tiên quyết đã giúp TTC Group đạt được thành công như hiện nay.

Thứ nhất, đó là tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt cơ hội. TTC Group đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ nhà thương mại, sản xuất sang vai trò nhà đầu tư chuyên nghiệp là minh chứng rõ rệt cho tầm nhìn này. Đặc biệt, thương vụ M&A mua lại Bourbon Tây Ninh - Nhà máy đường của Pháp vào năm 2010 cho thấy khả năng chớp lấy thời cơ hiếm có trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nội rơi vào tay các công ty nước ngoài.

Thứ hai, là khả năng thích ứng và chuyển đổi liên tục. Trong quá trình hình thành và phát triển, TTC Group đã không ngừng đổi mới để phù hợp với từng giai đoạn kinh tế. Điều này thể hiện rõ trong việc họ liên tục mở rộng sang các lĩnh vực mới. Mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng, nhưng TTC Group đã chứng minh khả năng quản trị và phát triển hiệu quả trong từng mảng.

Thứ ba, là phương châm “Vì cộng đồng, phát triển địa phương” đã được hiện thực hóa. Chính sự gắn kết và tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng đã giúp TTC Group xây dựng được niềm tin, sự ủng hộ, và tạo ra nền tảng vững chắc cho sự lớn mạnh của mình. Điều này cũng giúp họ thu hút đầu tư bền vững và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

PV: Nông nghiệp từ lâu đã trở thành lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của TTC Group. Việc xây dựng các thương hiệu trong ngành nông nghiệp từ những ngày đầu, đặc biệt như mía đường có lẽ không phải là một việc dễ dàng. Nhất là câu chuyện cánh đồng lớn từ lâu đã là một thách thức đối với nông nghiệp nước ta do tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nếu không có vùng nguyên liệu đủ rộng, doanh nghiệp sẽ khó có thể mở rộng sản xuất quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thế nhưng TTC Group đã từng bước mở rộng, phát triển bền vững các vùng nguyên liệu.

Đến nay, doanh nghiệp không chỉ phát triển vùng nguyên liệu trong nước mà còn vươn ra quốc tế, với tổng diện tích hiện tại lên tới hơn 71.000ha trải dài ở 4 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc. Mục tiêu đến năm 2025 là nâng con số này lên gần 90.000ha. Theo ông, chiến lược này đã mang lại thành công như thế nào cho doanh nghiệp?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Đặc điểm của vùng nguyên liệu mía Việt Nam là khó có khả năng tạo diện tích rộng lớn và liền mạch. Để giải quyết bài toán này, TTC Group đã có những bước đi chiến lược. Họ thực hiện chương trình khuyến nông, với những nơi mà canh tác lúa một vụ hay hai vụ chưa hiệu quả thì khuyến khích bà con chuyển sang trồng mía và đảm bảo người dân vẫn có lãi. Họ cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư chi phí thuê đất, giúp người nông dân tích lũy các diện tích lớn, tăng quy mô canh tác, hình thành cánh đồng lớn dễ dàng cho việc cơ giới hóa.

Tại sao việc đầu tư và phát triển những vùng nguyên liệu quy mô lớn lại quan trọng đến vậy? Thứ nhất, nó giúp doanh nghiệp đảm bảo sản lượng mía ổn định cho các nhà máy, tránh tình trạng thiếu nguyên liệu ảnh hưởng đến sản xuất. Thứ hai, khi có đủ nguyên liệu, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa công suất của cả dây chuyền, sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn, giảm chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm. Và tất nhiên, tất cả những điều này cộng lại sẽ tạo ra sức mạnh cạnh tranh đáng kể trên thị trường cho doanh nghiệp.

Không ngạc nhiên khi TTC Group hiện chiếm 46% thị phần ngành đường trong nước, trở thành doanh nghiệp đường nội địa lớn nhất. Đây là một minh chứng về hiệu quả của chiến lược phát triển vùng nguyên liệu có chiều sâu trong nước và tầm nhìn mở rộng ra quốc tế.

Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 2.

Hướng tới mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2035, TTC Group khai mở chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho các bên liên quan, cùng ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới.

PV: Thưa ông, nếu chỉ có vùng nguyên liệu thôi có lẽ là chưa đủ, bởi thực tế, ngành mía đường nói riêng luôn có một số khó khăn nhất định. Từ việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu, cho đến sự cạnh tranh không công bằng từ đường nhập lậu… Tuy nhiên, TTC Group lại có sản phẩm đường được xuất khẩu đến gần 30 quốc gia, hiện là công ty đầu tiên đưa thương hiệu mía đường Việt Nam ra thế giới và cạnh tranh với các ông lớn toàn cầu. Ông có nhìn nhận như thế nào về tư duy hội nhập quốc tế đó của doanh nghiệp?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Không có gì là dễ dàng trên chặng đường doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. Muốn làm được, TTC Group có lẽ đã phải nỗ lực rất nhiều. Để có thể xuất khẩu sản phẩm đường sang các thị trường khó tính bậc nhất thế giới, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe đối với cả chuỗi giá trị, từ sản xuất ở đồng ruộng tới nhà máy rồi phối hợp với đơn vị thu mua…

Tôi lấy ví dụ, vì không được dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ - đây là những quy định rất nghiêm ngặt của các thị trường đó - thì doanh nghiệp buộc phải đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển để tìm ra nhiều giải pháp thay thế. Đồng thời, họ phải đầu tư vào nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh theo chuẩn hữu cơ, vừa tốt cho môi trường lại giảm được rất nhiều chi phí cho bà con nông dân trong bối cảnh giá phân bón trên thị trường gia tăng chóng mặt…

Việc doanh nghiệp đã đưa sản phẩm xuất khẩu đến nhiều quốc gia, trở thành công ty đầu tiên đưa được thương hiệu mía đường Việt Nam ra thế giới và cạnh tranh sòng phẳng với các “ông lớn” toàn cầu thể hiện tư duy quốc tế hóa rất rõ ràng, chuyển hoá từ “sân nhà” ra “sân quốc tế”, không muốn sản phẩm chỉ dừng ở biên giới quốc gia.

Tư duy này được thể hiện qua hành động thực tiễn. Thứ nhất, họ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Muốn xuất khẩu và cạnh tranh được, sản phẩm phải thực sự tốt, không chỉ về mặt vật lý mà còn cả về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, doanh nghiệp chủ động xây dựng chuỗi giá trị sản xuất từ canh tác đến chế biến, và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế giúp tạo dựng niềm tin và sự khác biệt. Đây là yếu tố then chốt để thâm nhập và giữ vững vị thế tại các thị trường khó tính.

PV: TTC Group còn tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển nông nghiệp xanh. Theo ông, cách tiếp cận này mang lại những lợi ích gì cho người nông dân, cộng đồng địa phương và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và phát triển nông nghiệp xanh là một xu hướng vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Việc TTC Group chủ động trong chuyển đổi số và phát triển nông nghiệp xanh, theo tôi, là một bước đi có tầm nhìn xa và mang lại nhiều giá trị cho cả doanh nghiệp, người nông dân và địa phương.

Với doanh nghiệp, có thể tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn và thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn. Còn chuyển đổi số sẽ tạo ra các kênh phân phối và tiếp thị mới, mở rộng thị trường và tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Với bà con nông dân, họ có thể giảm được chi phí sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực, và quan trọng nhất là nâng cao được năng suất và chất lượng nông sản. Kinh tế địa phương cũng nhờ đó mà phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống của người dân.

Nhìn rộng ra, TTC Group đã và đang khẳng định được nông sản Việt không chỉ mang chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, mà còn được chế biến trên nền tảng công nghệ cao, củng cố được nền nông nghiệp Việt Nam 4.0 sánh ngang với các quốc gia tiên tiến hàng đầu. Bước đi này còn góp phần thúc đẩy cả ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.

PV: Với sự chuyển mình mạnh mẽ sang vai trò nhà đầu tư đa ngành, TTC Group không dừng lại ở lĩnh vực nông nghiệp mà đã lựa chọn mở rộng sang năng lượng, bất động sản... thoạt nhìn có vẻ rất khác nhau. Tuy nhiên, “mẫu số chung” trong các quyết định đầu tư của TTC Group đều là hướng đến phát triển bền vững vì cộng đồng, thể hiện sự ưu tiên rõ rệt cho sự bền vững và đóng góp cho địa phương, rộng hơn là kinh tế đất nước. Theo ông, đây có phải là “sợi chỉ đỏ” vừa định hình bản sắc, vừa dẫn lối cho sự phát triển của doanh nghiệp?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Tôi cho rằng, sự chuyển mình của TTC Group sang vai trò nhà đầu tư đa ngành không chỉ là một sự mở rộng đơn thuần về quy mô, mà còn là một bước đi chiến lược, cho thấy tầm nhìn rộng lớn và rất có trách nhiệm của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc một doanh nghiệp lớn như TTC Group tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp, năng lượng đến bất động sản, du lịch, giáo dục là một điều tất yếu để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Tôi cho rằng đây là một khát vọng đáng được ghi nhận.

Và cái “sợi chỉ đỏ” mà bạn nhắc đến, tôi hoàn toàn đồng ý, đó chính là phát triển bền vững. Điều này cũng cho thấy TTC Group nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, không chỉ là một nhà kinh doanh thuần túy.

PV: Thưa ông, TTC Group đang có nhiều hành động cụ thể, chẳng hạn như chính sách thu mua giá mía tăng 10 - 15% so với niên vụ trước, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Hay việc đầu tư ứng vốn, hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất trồng mía, chăm sóc đến thu hoạch. Đặc biệt, nhà máy còn đưa ra các khoản hỗ trợ không hoàn lại cho các diện tích mới khai hoang hoặc chuyển đổi cây trồng sang mía nhằm mở rộng vùng nguyên liệu. Những hành động này dường như đang góp phần hiện thực hoá phương châm “Vì cộng đồng, phát triển địa phương”?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Những hành động cụ thể mà TTC Group đang làm cho thấy một trách nhiệm rất lớn đối với cộng đồng và địa phương. Tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp dường như đã thấm nhuần một điều: Để ngành mía đường Việt Nam thực sự vững vàng trên trường quốc tế, vượt qua những sóng gió của hội nhập, thì phải bắt đầu từ gốc rễ - chính là người nông dân. Khi “doanh - nông” phát triển, chuỗi giá trị của ngành cũng vững chắc hơn, và đó là đích đến mà một doanh nghiệp có tầm nhìn phải luôn đặc biệt chú trọng.

Hãy thử nghĩ xem, với người nông dân, điều quan trọng nhất là sự yên tâm sản xuất và một cuộc sống ổn định. Khi giá mía được đảm bảo ổn định và thậm chí còn tăng, họ không còn phải lo lắng về đầu ra hay những biến động bất chợt của thị trường. Đặc biệt, những khoản hỗ trợ của doanh nghiệp sẽ là một động lực rất lớn để bà con mạnh dạn mở rộng diện tích, tăng hiệu quả kinh tế và qua đó, cải thiện rõ rệt đời sống của gia đình mình. Họ yên tâm sản xuất hơn, thu nhập cũng ổn định hơn, và tất nhiên, cuộc sống cũng tốt đẹp hơn.

Còn về phía doanh nghiệp, việc này không chỉ là trách nhiệm mà còn là chiến lược thông minh. TTC Group đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu ổn định và chất lượng cho nhà máy, đồng thời xây dựng được mối quan hệ gắn bó, bền vững với người nông dân - những đối tác quan trọng nhất của họ.

Cuối cùng, nhìn từ góc độ cộng đồng và địa phương, sự hợp tác này góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, tạo ra công ăn việc làm ổn định và giảm thiểu tình trạng di cư lao động, giữ chân người dân ở lại gắn bó với quê hương. Rõ ràng, những hành động trên đã thể hiện trách nhiệm xã hội một cách rất rõ nét của doanh nghiệp.

PV: Không chỉ dẫn đầu trong ngành với nông nghiệp, TTC Group cũng trở thành đơn vị tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam - lĩnh vực "khó nhằn" khiến nhiều doanh nghiệp còn e ngại. Tuy nhiên, TTC Group đã đầu tư 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất 81MW tại Gia Lai, Lâm Đồng, Huế. Đồng thời, cũng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam, hiện đang vận hành và triển khai 6 nhà máy điện mặt trời mặt đất và hệ thống áp mái với tổng công suất 342MWp. Bên cạnh đó, họ cũng đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thành công 4 nhà máy điện gió với tổng công suất lên tới 230MW tại Tiền Giang, Bến Tre và Gia Lai.

Ông nhìn nhận như thế nào về sự tham gia cũng như vai trò của doanh nghiệp trong việc cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và bảo vệ môi trường?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Nhìn vào bức tranh ngành năng lượng của TTC Group có thể thấy được sự phát triển trải rộng từ thủy điện, điện mặt trời đến điện gió. Đây là một hướng đi chiến lược, không chỉ cho riêng TTC Group mà còn phản ánh xu thế chung của ngành năng lượng toàn cầu.

Vai trò của các doanh nghiệp như TTC Group trong việc cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và bảo vệ môi trường là then chốt. Các dự án này không chỉ bổ sung nguồn cung năng lượng mà còn giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn hóa thạch gây ô nhiễm.

Hơn nữa, các doanh nghiệp dám dấn thân vào lĩnh vực năng lượng này đóng vai trò như những nhà đổi mới. Việc tiên phong trong điện mặt trời hay điện gió đòi hỏi khả năng tiếp cận công nghệ, quản lý rủi ro và vốn đầu tư lớn. Họ là những người chấp nhận rủi ro ban đầu để mở đường cho các công nghệ mới, giúp chúng trở nên khả thi hơn về mặt kinh tế và kỹ thuật trong tương lai. Điều này tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích các doanh nghiệp khác cùng tham gia.

Đương nhiên, phát triển lĩnh vực này, TTC Group không chỉ tạo ra việc làm mà còn đóng góp vào ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển hạ tầng. Đây là một khía cạnh quan trọng của đóng góp tích cực cho địa phương, cộng đồng xã hội của TTC Group.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng đường đi này sẽ “gập ghềnh”. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức riêng về môi trường và xã hội, như tác động đến hệ sinh thái của thủy điện, việc sử dụng đất của điện mặt trời hay ảnh hưởng đến cảnh quan của điện gió, đặc biệt là chi phí vốn đầu tư ở giai đoạn đầu rất tốn kém trong bối cảnh các chính sách về phát triển năng lượng chưa có nhiều đột phá.

Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 3.
Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 4.
Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 5.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, TTC Group ý thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội và không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

PV: TTC Group đã và đang tích hợp các nguyên tắc phát triển bền vững vào các lĩnh vực bất động sản, du lịch và giáo dục với những đặc thù riêng biệt? Ông đánh giá như thế nào về “sợi chỉ đỏ” mà TTC Group đang theo đuổi để tạo ra giá trị thực sự cho xã hội?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Theo tôi được biết, trong lĩnh vực bất động sản, TTC Group không chỉ dừng lại ở việc xây dựng một loạt dự án đô thị chất lượng, mà còn sáng tạo không gian sống xanh đích thực tại TP.HCM và các tỉnh thành vệ tinh lân cận, cũng như các thành phố lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An... Điều này cho thấy sự nhạy bén của doanh nghiệp khi nắm bắt được nhu cầu thị trường về chất lượng sống tại các đô thị lớn.

Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 6.
Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 7.
Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 8.

TTC Group không chỉ dừng lại ở việc xây dựng một loạt dự án đô thị chất lượng, mà còn sáng tạo không gian sống xanh đích thực tại TP.HCM và các tỉnh thành vệ tinh lân cận.

Song song đó, họ còn sở hữu nhiều khu, cụm công nghiệp và hệ thống kho bãi, nhà xưởng rộng khắp tại các khu vực có vị trí đắc địa, cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc kiểm soát chuỗi cung ứng logistics và hạ tầng công nghiệp giúp TTC Group không chỉ hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế chung mà còn có thể tối ưu hóa chi phí, tăng tính cạnh tranh cho các hoạt động sản xuất, thương mại. Đây là một lợi thế cạnh tranh đáng kể trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi chuỗi cung ứng đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Đối với du lịch, thương hiệu TTC Hospitality của TTC Group hoạt động trên nền tảng tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn văn hóa sẵn có, chung tay cùng Việt Nam vẽ nên một bản đồ du lịch rực rỡ sắc màu. Với sứ mệnh “Đồng hành cùng địa phương góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam”, TTC Hospitality cam kết liên tục xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng nhằm mang đến những trải nghiệm trọn vẹn, từ đó quảng bá sâu rộng hơn nét đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam đến với du khách nội địa và nước ngoài, đồng hành cùng Chính phủ phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Còn trong lĩnh vực giáo dục, TTC Group coi đây là một trong các lĩnh vực trọng tâm trong quá trình phát triển bền vững. Mục tiêu không chỉ đơn thuần là đầu tư, mà hướng đến việc tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ngay tại địa phương, đồng thời qua đó góp phần đáp ứng nhân lực cho chính Tập đoàn trong chiến lược phát triển dài hạn của mình.

Rõ ràng, TTC Group đang thực hiện đúng theo cái “sợi chỉ đỏ” ấy, biến nó thành những hành động cụ thể và mang lại giá trị thực sự cho xã hội.

PV: Doanh nhân Đặng Văn Thành, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT TTC Group có triết lý rằng: “Khởi nguồn từ “tâm xanh” mới có thể tạo ra những hành động xanh, quản trị xanh, từ đó xây dựng nên một doanh nghiệp xanh và lan tỏa ra cộng đồng, góp phần cho môi trường xanh, trái đất xanh”. Ông nhìn nhận thế nào về triết lý này?

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái: Trong kinh tế học hiện đại, chúng ta không chỉ nói về hiệu quả kinh doanh, mà còn phải nói về trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Và khi nói đến trách nhiệm ấy, cái “tâm” của người lãnh đạo, của doanh nghiệp, thực sự là yếu tố quyết định.

Từ “tâm xanh”, doanh nghiệp sẽ có những “hành động xanh” - tức là các hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải, tiết kiệm năng lượng. Họ sẽ xây dựng một quy trình quản trị xanh, nơi các yếu tố môi trường và xã hội được tích hợp vào mọi cấp độ quản lý, từ việc lựa chọn nguyên vật liệu, tối ưu hóa quy trình, đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp…

Và khi một doanh nghiệp đã là “doanh nghiệp xanh” thì việc lan tỏa giá trị đó ra cộng đồng là điều tất yếu. Họ sẽ truyền cảm hứng, tạo ra tác động tích cực đến các đối tác, nhà cung cấp, và cả người tiêu dùng. Điều này không chỉ góp phần tạo nên một môi trường xanh rộng lớn hơn, mà còn đóng góp vào mục tiêu chung là một trái đất xanh cho các thế hệ tương lai.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Khi nhìn về bức tranh kinh tế năm 2025, dù có những dự báo về thách thức, nhưng cơ hội đầu tư vẫn rộng mở, đặc biệt là với một thị trường nội địa hơn 100 triệu dân như Việt Nam, cùng với động lực từ đầu tư công và sức hút của dòng vốn quốc tế. Trong bối cảnh đó, TTC Group đang bước vào năm 2025 với một tâm thế đặc biệt - năm thứ 46 trên hành trình phát triển bền bỉ của họ. Với danh mục đầu tư chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, TTC Group kiên định với các lĩnh vực cốt lõi và tiếp tục phát triển những ngành nghề bền vững, mang lại lợi ích tích cực cho môi trường và nền kinh tế. Đây không chỉ là chiến lược kinh doanh, mà còn là cam kết của TTC trong việc xây dựng một tương lai bền vững, đồng hành cùng Chính phủ trong các nỗ lực “xanh hóa” và hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 9.
Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 10.
Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 11.
Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 12.

Với mục tiêu khẳng định vị thế trên phạm vi toàn cầu, TTC AgriS tiếp tục hành trình chuyển đổi chiến lược mô hình kinh doanh mới, tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện.

Trong kế hoạch sắp tới, TTC đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng ở từng mảng miếng chiến lược. Về nông nghiệp, doanh nghiệp đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu mía tại Tây Ninh lên 18.000ha, với sản lượng dự kiến khoảng 1,4 triệu tấn. Đặc biệt, TTC AgriS sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng mía công nghệ cao theo tiêu chuẩn Úc với quy mô 1.300ha, áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất.

Với mục tiêu khẳng định vị thế trên phạm vi toàn cầu, TTC AgriS tiếp tục hành trình chuyển đổi chiến lược mô hình kinh doanh mới, tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, nâng tầm nông sản Việt Nam với 3 nội dung chiến lược:

Chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình Commercial Center lấy khách hàng là trung tâm, kinh doanh đa kênh, đa ngành hàng, đặc biệt tham gia sâu hơn vào lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát. Tập trung khai thác tối ưu chuỗi giá trị cây nông nghiệp như mía, dừa, chuối, gạo,… đồng thời nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng cao nhằm đa dạng hóa loại hình sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ trong mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, quản lý tài nguyên và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là cải tiến và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng toàn bộ lợi thế và tiềm năng của công ty để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết chặt chẽ giữa nông dân - sản xuất - thương mại, trong đó TTC AgriS đóng vai trò mắt xích quan trọng kết nối các bên, tạo nên một hệ sinh thái kinh doanh toàn diện và bền vững.

Với nền tảng tài chính ổn định và chiến lược bài bản, TTC AgriS kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025 và hướng đến mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030. Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy sự đầu tư nghiêm túc và tầm nhìn xa của TTC vào nông nghiệp, không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì một nền nông nghiệp bền vững.

Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 13.
Tập đoàn Thành Thành Công và chiến lược đa ngành bền vững - Từ "tâm xanh" đến "hành động xanh"- Ảnh 14.

TTC Group ngày càng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, công tác cảnh quan khu công nghiệp, xây dựng khu công nghiệp sinh thái thông minh theo định hướng phát triển xanh bền vững.

Đối với mảng bất động sản, bên cạnh việc triển khai bán hàng tại các dự án mới, TTC Land dự kiến đẩy mạnh hiệu quả khai thác mảng cho thuê sàn thương mại với mục tiêu lấp đầy 98% tại các dự án có vị trí đắc địa như: Belleza, Phú Lợi, Jamona City, Charmington La Pointe, TTC Plaza Bình Thạnh, Âu Cơ,… Mảng kinh doanh này được kỳ vọng tiếp tục là nguồn thu ổn định, bền vững, đảm bảo dòng tiền cho công ty ngay cả khi phân khúc bán hàng vẫn còn đối mặt nhiều thách thức và thị trường bất động sản còn biến động. Điều này cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng của TTC Land trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, đồng thời vẫn giữ vững được nguồn thu ổn định từ các tài sản sẵn có.

Trong mảng năng lượng, dự kiến đến năm 2025, TTC nâng công suất năng lượng lên 2.000MW nhờ các dự án đầu tư mới. Đây là một mục tiêu rất tham vọng và thể hiện cam kết mạnh mẽ của TTC trong việc đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia thông qua các nguồn năng lượng sạch. Việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường.

Về giáo dục, TTC có chiến lược mở rộng tại các tỉnh thành thông qua hình thức M&A. Đây là một động thái chiến lược cho thấy TTC Group không chỉ quan tâm đến các lĩnh vực kinh tế trực tiếp mà còn đầu tư vào “nền móng” của xã hội là giáo dục, nhằm tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ngay tại địa phương, góp phần đáp ứng nhân lực cho chính Tập đoàn TTC trong chiến lược phát triển dài hạn của mình.

Đặc biệt, với nền tảng vững chắc hiện tại cùng sự dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo trẻ thế hệ F2 như Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Huỳnh Anh Tuấn, chúng ta có niềm tin vào những thành công tương lai của TTC Group. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm từ thế hệ đi trước và sức trẻ, sự năng động của thế hệ kế thừa, hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá mới cho TTC Group.

* * * * *

Nhìn lại chặng đường đã đi qua và những định hướng đầy triển vọng trong tương lai, có thể thấy rõ một điều, TTC Group đã khẳng định dấu ấn của một tập đoàn kinh tế tư nhân, thể khát vọng vươn lên từ nội lực. Họ đã chứng minh rằng, với một chữ “tín” làm gốc, một chiến lược bền vững từ “tâm xanh” làm kim chỉ nam, và khả năng linh hoạt thích ứng với từng biến động của thị trường, một doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị vượt ra ngoài câu chuyện lợi nhuận đơn thuần. 

Từ việc nâng cao vị thế nông sản Việt trên bản đồ thế giới đến việc góp phần vào an ninh năng lượng quốc gia bằng các dự án xanh, từ việc kiến tạo không gian sống và làm việc chất lượng đến việc ươm mầm thế hệ trẻ thông qua giáo dục, TTC Group đang khẳng định tầm vóc thông qua chiến lược phát triển đa ngành. Những nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp trong hành trình kiến tạo giá trị bền vững, không chỉ vì sự lớn mạnh của riêng mình mà còn hướng đến khát vọng thịnh vượng của quốc gia./.

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Chuỗi đối thoại chính sách với chủ đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đã và đang có thể tiếp tục nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top