Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp

Thứ Sáu, 13/06/2025 - 07:00

Trong các giai đoạn lịch sử, nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Cho đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển động mạnh mẽ, nhất là sau khi được tái cơ cấu, chú trọng đầu tư bài bản theo mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, mà trong đó, các tập đoàn đầu tư tư nhân đóng vai trò quản trị, vận hành. Các chuỗi liên kết sản xuất gắn chặt với tiêu thụ tại các tập đoàn lớn dẫn đầu ngành đã góp phần kiến thiết một nền nông nghiệp từ sự lạc hậu trong công nghệ, sự nghèo nàn trong cơ sở vật chất, sự manh mún trong tổ chức sản xuất, trở thành một nền nông nghiệp thông minh; nông sản mang thương hiệu Việt đến được nhiều nơi trên thế giới, nông thôn Việt Nam cũng từ đó mà dần thoát khỏi cảnh nghèo nàn, trở nên văn minh, hiện đại hơn.

Với vị thế là một tập đoàn đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, Tập đoàn PAN (PAN) đã tiên phong trong việc tổ chức hoạt động sản xuất nông nghiệp bài bản theo chuỗi giá trị. Ở PAN, nông sản Việt không chỉ phát triển về lượng, mà còn được đảm bảo về chất; chất lượng ngày một cao hơn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, chinh phục được cả các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Hiếm có doanh nghiệp hay tập đoàn tư nhân nào có một hệ sinh thái các công ty con là những doanh nghiệp đầu ngành ở nhiều mảng như giống cây trồng, thủy sản, bánh kẹo, nước mắm, cà phê... mà tất cả đều hoạt động hiệu quả như tại PAN. Ít ai biết, PAN xuất phát điểm là một doanh nghiệp ngoài ngành, mới bước vào nông nghiệp hơn 10 năm, nên hành trình của PAN không đơn thuần chỉ là tập hợp và phát triển những thành viên này. Đây là cả một câu chuyện dài, mà khi nghiên cứu kỹ thì có thể khẳng định, đó là hành trình tái cấu trúc chính mình, tái sinh các thành viên, và góp phần tái định hình ngành nông nghiệp Việt Nam.

************

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 1.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 2.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 3.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 4.

GS.VS.TSKH. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA) là một chuyên gia, nhà khoa học rất yêu nông nghiệp, đã cống hiến gần như trọn vẹn cuộc đời mình cho những nghiên cứu sâu sắc và sáng kiến đột phá về ngành nông nghiệp. Ông thường xuyên tìm hiểu các mô hình phát triển mới trong ngành, đặc biệt là quan sát rất kỹ những chuyển động của các doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. PAN là một trong số đó.

Mỗi khi nhắc đến hệ sinh thái, chuỗi sản xuất và mô hình quản trị - đầu tư của PAN, GS.VS. Trần Đình Long thường nhấn mạnh, đây là một mô hình đầu tư thành công vào nông nghiệp dựa trên nền tảng quản trị hiệu quả, "liên kết chuỗi" bền vững giữa doanh nghiệp - nông dân - hợp tác xã - nhà khoa học - thị trường và giữa các khâu chuẩn bị sản xuất - sản xuất - sau sản xuất - tiếp thị và tiêu thụ. 

GS.VS. Trần Đình Long ví PAN như một hình mẫu của tập đoàn đầu tư tiên phong trong một nền nông nghiệp đang khao khát đổi mới, kiến tạo thế hệ doanh nghiệp nông nghiệp kiểu mới - nơi lợi nhuận đi đôi với trách nhiệm và phát triển kinh tế không tách rời với phát triển bền vững.

- Năm 2024, Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 62,4 tỷ USD, lọt Top 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nhiều mặt hàng vươn lên dẫn đầu: Gạo xếp thứ ba, cà phê thứ hai, chè thứ năm, trong khi hạt điều và hạt tiêu đứng số một toàn cầu. Thưa GS.VS. Trần Đình Long, những con số ấn tượng này, khi đặt trong bối cảnh của đất nước ở giai đoạn còn đói nghèo, thiếu lương thực, thậm chí phải đi xin viện trợ, có lẽ sẽ khiến người ta không khỏi ngạc nhiên và đặt dấu hỏi - động lực nào đã giúp nông nghiệp Việt có những bước tiến ngoạn mục như vậy?

GS.VS. Trần Đình Long: Nhìn lại giai đoạn sau năm 1954, khi hòa bình được thiết lập ở miền Bắc, nông nghiệp nước ta vẫn còn thô sơ, chưa có máy móc hiện đại, chủ yếu nhờ vào sức người. Quy trình canh tác cũng chưa có gì đặc biệt khi phần lớn là dùng kinh nghiệm truyền thống cùng các loại giống cây trồng, vật nuôi sẵn có tại các địa phương. Khi ấy, chúng ta làm nông nghiệp với mong muốn "đủ ăn đã là may".

Tuy nhiên, cục diện ngành nông nghiệp đã có những thay đổi tích cực sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới sau năm 1986, sản xuất bắt đầu hiện đại hơn, quy mô lớn hơn. Trong đó, một trong những thành tựu của chúng ta là đã chủ động được phần lớn các loại cây giống, con giống - tiền đề quan trọng cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, chúng ta đã giải quyết được bài toán đảm bảo an ninh lương thực và có thể xuất khẩu ra nước ngoài, thậm chí nhanh chóng trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Đối với nông nghiệp, bước ngoặt lớn nhất là từ khi đổi mới, hoạt động sản xuất được tổ chức lại một cách bài bản, có quy trình theo chuỗi giá trị gắn liền sản xuất với tiêu thụ. Ở các chuỗi này, doanh nghiệp tư nhân có vai trò rất lớn trong việc điều tiết và vận hành chuỗi một cách trơn tru, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia: Nông dân, nhà khoa học, người tiêu dùng, cổ đông, cũng như chính bản thân doanh nghiệp và xã hội, môi trường. Vấn đề quan trọng là, khi các chuỗi sản xuất nông nghiệp ở các doanh nghiệp tư nhân như PAN được nhân rộng, ngành nông nghiệp sẽ ngày càng lớn mạnh để sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

- Tại sao ngành nông nghiệp lại cần đến các tập đoàn đầu tư như PAN, Giáo sư có thể phân tích rõ hơn?

GS.VS. Trần Đình Long: Trên thế giới, hiếm có quốc gia nào có tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn như Việt Nam. Trước hết, đất đai, thổ nhưỡng của nước ta rất tốt, rất đa dạng với đất phù sa, đất đỏ bazan, đất thịt, đất cát... Đồng thời về khí hậu, chúng ta vừa có khí hậu á nhiệt đới, vừa có khí hậu nhiệt đới điển hình. Thêm nữa là Việt Nam có lợi thế về đa dạng sinh học, đứng top đầu trên thế giới. Cùng với đó, về mặt con người, nông dân Việt Nam vô cùng tuyệt vời với đức tính cần mẫn, chăm chỉ.

Mặc dù sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi như vậy, nhưng trong mấy chục năm qua, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với những gì chúng ta có.

Kim ngạch xuất khẩu ấn tượng nhưng phần lớn vẫn là xuất khẩu thô do khả năng chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn còn hạn chế. Xuất thô chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt và không mang lại giá trị cao, nhưng trong điều kiện chưa thể chế biến sâu, thì xuất khẩu thô là hướng đi duy nhất của người nông dân. Đây cũng chính là lý do vì sao Việt Nam đã nằm trong top các quốc gia xuất khẩu hàng đầu về sản lượng nhưng nông dân Việt Nam vẫn "nghèo".

Ví dụ như nuôi lợn mà chỉ bán mỗi lợn cho thương lái thì lãi không đáng kể nhưng vẫn phải nuôi, vì nông dân mà không nuôi thì không có thu nhập.

Hay với đậu tương, nếu chỉ bán đậu tương thô với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, thì người nông dân sẽ chỉ thu về được khoảng 60 triệu đồng/ha. Nhưng giả sử cũng 1ha đậu tương đó, tạo ra thành phẩm và mang đi chế biến thành sữa đậu nành, là đã có thể mang về khoảng 400 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn rất nhiều. Còn với công nghệ của Nhật, đậu tương được dùng để chiết xuất các chất chống oxy hóa, thì có thể mang lại lợi nhuận lên đến 2 tỷ đồng/ha. Như vậy, vấn đề ở đây chính là thiếu công nghệ, quy trình chế biến sâu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Mà để chế biến sâu, chỉ có doanh nghiệp mới có thể làm được, vì họ có vốn, có công nghệ, có khả năng xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm tiếp cận được với thị trường tiêu thụ.

Đó là chưa kể, cùng một loại nông sản, chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài nhưng sau cùng vẫn phải nhập khẩu lại chính nó ở một phiên bản đã qua chế biến với cái giá cao hơn rất nhiều, hoặc muốn xuất khẩu nông sản đã qua chế biến thì phải đứng dưới thương hiệu của nước ngoài.

Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam còn thường xuyên gặp phải tình trạng "được mùa mất giá". Người nông dân chưa kịp tận hưởng niềm vui đã nhanh chóng phải đối mặt với áp lực giá bán đầu ra. Xét về góc độ kinh tế, vấn đề này thật ra là quy luật của thị trường - khi cung vượt cầu thì giá sẽ rớt. Vì vậy, nông dân ta dù cần cù, chịu thương, chịu khó nhưng vẫn chưa thể làm giàu từ nông nghiệp.

Đây thật sự là những "nỗi đau" của nông nghiệp Việt Nam trong suốt một thời gian dài.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 5.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 6.

- Vậy làm thế nào để ngành nông nghiệp Việt Nam có thể bứt phá, phát huy được những tiềm năng "hiếm có" của mình, thưa GS?

GS.VS. Trần Đình Long: Muốn tạo ra sự bứt phá thì phải tìm ra được nguyên nhân kìm hãm ngành nông nghiệp Việt Nam. Có nhiều lý do khiến nông nghiệp Việt Nam chưa thể bứt phá, nước ta chưa thể trở thành cường quốc về nông nghiệp. Trong đó có thể kể đến những lý do chính sau.

Trong một thời gian dài, nông dân Việt Nam mới chỉ dừng lại ở "khai thác" tài nguyên bằng những kỹ thuật thô sơ và kinh nghiệm bản địa từ thời ông cha. Tất nhiên những kinh nghiệm này không phải là không tốt, nhưng nếu chỉ dựa vào đó để làm nông nghiệp thì quá trình nuôi trồng, sản xuất sẽ bị phụ thuộc rất nhiều vào ngoại cảnh.

Thêm nữa, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn manh mún, chưa phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Mặc dù mô hình hợp tác xã đã được hình thành và đi vào hoạt động nhưng phần lớn đều kém hiệu quả do chưa giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng là một vấn đề đáng lo ngại và gây cản trở quá trình phát triển hiệu quả nông nghiệp. Chúng ta luôn hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nhưng nếu không có nguồn nhân lực thì không thể thành công. Hiện nay, người lao động trong độ tuổi 20 - 35 tuổi thường có xu hướng không chọn gắn bó với đồng ruộng, mà thay vào đó là đến các xí nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, nguồn nhân lực cho nông nghiệp tại các vùng nông thôn phần lớn chưa đảm bảo về mặt trình độ, chưa biết cách canh tác bài bản, không áp dụng được tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi trồng nên dù có rất nhiều tiềm năng cũng rất khó chuyển thành giá trị thực.

Cùng với đó là vấn đề về công nghệ chế biến, chúng ta còn thua rất nhiều nước trong khu vực và thế giới. Có những quốc gia trồng nông sản không nhiều nhưng vẫn xuất khẩu nông sản chất lượng cao thuộc hàng top, bởi vì họ nắm trong tay công nghệ chế biến tiên tiến. Còn Việt Nam, vốn là một nước trồng trọt, sản xuất rất nhiều, nhưng vì công nghệ chế biến, bảo quản chưa tốt nên giá trị xuất khẩu chưa cao.

Trước xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, nông nghiệp với những khiếm khuyết đó lại càng phải gồng mình để vượt qua các thách thức về tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện thương mại khắt khe. Trong bối cảnh này, tái cơ cấu ngành là một điều tất yếu.

Để thực hiện tái cơ cấu một cách hiệu quả, bắt buộc phải tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị - một mục tiêu đòi hỏi nguồn vốn lớn và sự bền bỉ của doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta đang hướng đến một nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, và muốn làm được như vậy, nhất định phải thực hiện công tác quản trị nông nghiệp để tập hợp các "mắt xích" trong chuỗi giá trị lại với nhau.

Và để quản trị nông nghiệp tốt thì phải cần tới các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư lớn với năng lực tài chính mạnh mẽ, có công nghệ và khả năng xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Cần phải có một cuộc "cách mạng" cho ngành nông nghiệp, mà trong đó, lực lượng tham gia chính phải là các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ khi xem doanh nghiệp tư nhân là động lực trung tâm của sản xuất nông nghiệp thì nông nghiệp mới có thể tạo ra giá trị cao.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 7.

- Trên thực tế, những yêu cầu cấp thiết trong công cuộc tái cơ cấu ngành và cơ hội rộng mở từ cơ chế, chính sách sau Đổi mới đã giúp các doanh nghiệp tư nhân có thêm động lực tham gia vào nông nghiệp. Theo Giáo sư, sự tham gia của lực lượng này có ý nghĩa như thế nào trong hành trình vừa qua của nông nghiệp Việt Nam?

GS.VS. Trần Đình Long: Đổi mới đã khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân dấn thân sâu hơn vào nông nghiệp, tạo tiền đề cho việc hình thành nên những doanh nghiệp lớn như PAN, TH, Dabaco, Lộc Trời... Nhờ sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân, nhất là các tập đoàn đầu tư, nông nghiệp nước ta đã thay đổi từ hoạt động sản xuất đơn thuần với tư duy "lấy công làm lãi" sang "làm kinh tế", đồng thời còn phát triển về cả "lượng" và "chất".

Điển hình như trong sản xuất lúa gạo, trước kia ta chỉ xuất khẩu với giá khoảng 200 - 300 USD/tấn, nhưng nhờ áp dụng khoa học công nghệ, chất lượng gạo đã tăng lên đáng kể, giá xuất khẩu có thể đạt 500 – 600 USD/tấn, thậm chí loại gạo mang thương hiệu VJ Pearl Rice và RVT của Vinaseed (công ty con của PAN) còn có giá lên tới hơn 1.000 USD/tấn. Chúng ta đã có loại gạo ngon nhất thế giới là ST25 (được bình chọn từ năm 2019 – 2023), ngoài ra còn có các dòng ST như ST23, ST34, Đài Thơm 8... đều là những giống lúa ngon nổi tiếng trên thị trường quốc tế, là niềm tự hào của hàng chục năm nỗ lực phấn đấu vươn lên của nông nghiệp Việt Nam.

Hay với ngành điều, hiện nay nước ta đã chú trọng ứng dụng công nghệ chế biến để xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng từ điều thay vì chỉ sản xuất thô hạt điều nhân như trước. Tại PAN, sau khi đầu tư vào công ty con chuyên chế biến và xuất khẩu điều là Lafooco, Tập đoàn đã thay đổi chiến lược, chuyển đổi dần sang các sản phẩm chế biến sâu, hạt điều rang tẩm vị mang thương hiệu Lafooco Việt Nam thay vì một cái tên xa lạ là Osca.

Không chỉ vậy, PAN còn tập trung xây dựng thương hiệu - vấn đề vô cùng quan trọng đối với công cuộc đưa thương hiệu nông sản Việt vươn tầm quốc tế. Dòng sản phẩm điều ngũ vị (Lafooco Original) đã đánh dấu sự thay đổi thương hiệu của Lafooco, khi tham gia Hội chợ triển lãm Thượng Hải đã được đông đảo khách quốc tế nhớ đến thông qua hình ảnh "hạt điều có cô gái đội nón lá, đeo khăn rằn", "gói hạt điều có con chó vàng trên trang trại" đặc trưng cho cuộc sống nông dân địa phương.

Có thể nói, khi Khoán 10 (Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, năm 1988 - PV) trao quyền tự chủ cho nông dân, giúp họ phát huy triệt để vai trò của mình, mô hình hợp tác xã kiểu mới và sau đó, các tập đoàn đầu tư tư nhân xuất hiện đã giúp nông dân không còn là những người làm nông nghiệp nhỏ lẻ, riêng rẽ, mà trở thành "công nhân nông nghiệp", thành "cổ đông" của doanh nghiệp và được chia lợi nhuận như bao cổ đông góp vốn vào các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác, phần nào giải quyết được tình trạng bấp bênh trong đời sống.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 8.

- Qua chia sẻ của Giáo sư, một điều dễ thấy là các tập đoàn đầu tư có vai trò rất lớn đối với nông nghiệp Việt Nam. Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp như PAN với những doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thưa Giáo sư?

GS.VS. Trần Đình Long: Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp còn rất hạn chế, chỉ khoảng 2 - 3%, kể cả các startup cũng rất e ngại và không mấy hào hứng, chứ đừng nói đến các tập đoàn lớn đã có nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực khác, bởi họ có nhiều khoản đầu tư hấp dẫn hơn nông nghiệp để lựa chọn. Do vậy, ngành nông nghiệp chưa có nhiều tập đoàn đầu tư lớn tham gia vào.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng như vậy, nhưng nhìn từ góc độ nông nghiệp, nguyên nhân chính là vì đầu tư vào ngành này chưa bao giờ dễ dàng. Thứ nhất, ngành nông nghiệp yêu cầu nhiều vốn, nhất là đối với nông nghiệp công nghệ cao, bắt buộc phải phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn và xây dựng chuỗi sản xuất bài bản. Thứ hai, do đặc thù quy trình sản xuất, canh tác, chế biến nông sản tốn nhiều thời gian, lại có tính phụ thuộc vào yếu tố ngoại cảnh nên rủi ro cao và không thể sinh lời trong ngày một ngày hai, dẫn đến thời gian quay vòng vốn tương đối dài.

Có thể nói, với những tiềm năng sẵn có, làm nông nghiệp chắc chắn sẽ giàu, chỉ là không thể giàu ngay được, bởi đây là một ngành cần phát triển bền vững, doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp hiệu quả thì phải hết sức kiên nhẫn. Để tăng sức cạnh tranh và phát triển nông nghiệp toàn diện, nhất định phải có sự dẫn dắt của các tập đoàn đầu tư lớn.

Nhìn tổng thể, các tập đoàn đầu tư là động lực thúc đẩy ngành phát triển theo hướng hiện đại hóa nhờ khả năng kiến tạo hệ sinh thái và xây dựng chuỗi giá trị. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ lẻ thì năng động và linh hoạt, họ chỉ tham gia vào một hoặc một số khâu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp do hạn chế về nguồn lực và sức ảnh hưởng thị trường.

Do đó, tập đoàn đầu tư và doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể hoạt động bổ trợ cho nhau. Tập đoàn đầu tư làm đầu tàu phát triển vùng nguyên liệu và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tìm kiếm thị trường, còn các doanh nghiệp nhỏ thì là vệ tinh cung ứng và liên hệ mật thiết với người nông dân để cùng làm, cùng hưởng lợi.

Tập đoàn đầu tư và doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể hoạt động bổ trợ cho nhau. Tập đoàn đầu tư làm đầu tàu phát triển vùng nguyên liệu và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tìm kiếm thị trường, còn các doanh nghiệp nhỏ thì là vệ tinh cung ứng và liên hệ mật thiết với người nông dân để cùng làm, cùng hưởng lợi.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 9.GS.VS. Trần Đình Long

Ở Việt Nam, PAN là một tập đoàn đầu tư nông nghiệp điển hình. Thông qua con đường M&A (mua bán và sáp nhập), tập đoàn này đang sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với các công ty thành viên là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm như Vinaseed (giống cây trồng), Bibica (bánh kẹo), Thực phẩm Sao Ta (thủy sản), Aquatex Bến tre (thủy sản), Công ty Khử trùng Việt Nam (thuốc bảo vệ thực vật), Lafooco (chế biến điều), 584 Nha Trang (nước mắm truyền thống), Shin Cà phê (chế biến)…

Các công ty con này đều là những doanh nghiệp lớn, đã hoạt động lâu năm và có sự liên kết chặt chẽ với người nông dân trên khắp cả nước, rất thuận lợi cho việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn với quy mô lớn. Ngoài ra, hệ sinh thái phong phú như vậy cũng giúp PAN hoàn thiện chuỗi giá trị ngành nông nghiệp rất bài bản, đi từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức nuôi trồng sản xuất, đến thu hoạch, chế biến, bảo quản. Sau cùng là làm thương hiệu và tiêu thụ ở cả nội địa cũng như xuất khẩu. Đặc biệt, thông qua hình thức M&A, PAN đã rút ngắn được rất nhiều thời gian trong hành trình tạo hệ sinh thái, mối liên kết với nông dân, tạo dựng thương hiệu và phát triển thị trường.

Hiện nay, PAN đang dẫn đầu thị trường về giống cây trồng, nông dược và khử trùng/kiểm soát dịch hại, đứng thứ 3 về xuất khẩu tôm, và thuộc nhóm đầu trong phân khúc bánh kẹo nội địa… Các sản phẩm của PAN như nông sản, thủy sản, thực phẩm cũng đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc... Chẳng hạn như Bibica, năm 2024 đã vượt qua bài kiểm tra khắc nghiệt và có những đơn hàng cung cấp bánh kẹo cho hệ thống bán lẻ Walmart (Trung Quốc); Lafooco cũng đã hợp tác với chuỗi siêu thị Sungiven Foods (Trung Quốc) từ năm 2014, Lotus Supermarket và Vanguard từ năm 2018, CP Group China từ năm 2023... để phân phối các sản phẩm hạt điều và trái cây sấy.

- Có thể thấy, liên kết chuỗi sản xuất là một yêu cầu bắt buộc để tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp. Vậy Giáo sư nhận định như thế nào về tác động của mô hình chuỗi giá trị tại PAN đến ngành nông nghiệp?

GS.VS. Trần Đình Long: Chuỗi sản xuất của PAN vừa liên kết các chủ thể sản xuất theo chiều dọc (người nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - siêu thị - cửa hàng bán lẻ...), vừa theo chiều ngang (nông dân với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp...) để mọi thành phần trong xã hội cùng làm, cùng hưởng lợi, từ đó tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ giúp ngành nông nghiệp bứt phá toàn diện.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 10.GS.VS. Trần Đình Long
Chuỗi sản xuất của PAN vừa liên kết các chủ thể sản xuất theo chiều dọc (người nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - siêu thị - cửa hàng bán lẻ...), vừa theo chiều ngang (nông dân với nông dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp...) để mọi thành phần trong xã hội cùng làm, cùng hưởng lợi, từ đó tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ giúp ngành nông nghiệp bứt p

Nông nghiệp Việt Nam vốn mang một đặc trưng là hình thức tổ chức quá phân tán, vô hình trung làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, liên kết chuỗi sản xuất là một giải pháp không thể thiếu để phát triển nông nghiệp bền vững. Với một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, PAN có thể chủ động được nguồn hàng về cả số lượng và chất lượng. Đồng thời, Tập đoàn cũng ký hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ, giúp nông dân yên tâm sản xuất và ổn định đời sống.

Mô hình hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp cùng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ tại PAN đã phát huy được thế mạnh của các chủ thể, góp phần tối ưu chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng giá trị nông sản, tăng tính cạnh tranh và góp phần đưa thương hiệu nông sản Việt ra thị trường thế giới.

- Cụ thể, theo quan sát của Giáo sư, PAN đã làm như thế nào để có thể tạo ra hiệu quả trong liên kết chuỗi sản xuất - một điều mà không nhiều doanh nghiệp hiện nay làm được?

GS.VS. Trần Đình Long: Để liên kết chuỗi sản xuất được hiệu quả, PAN đã chủ động tổ chức sản xuất theo hình thức chuỗi giá trị, chú trọng phát triển cả đầu vào và đầu ra. Trong đó, hình thành các vùng nguyên liệu là bước quan trọng hơn cả để có những sản phẩm chất lượng và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tập đoàn đã hợp tác với nông dân để xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng, có giá trị cao, thân thiện với môi trường. Nổi bật phải kể đến các vùng nguyên liệu hạt điều tại Bình Phước; vùng trồng cà phê ở Sơn La, Quảng Trị, Đà Lạt; vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng; vùng lúa gạo ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Đáng nói, các vùng nguyên liệu của PAN đều áp dụng các tiêu chuẩn môi trường xã hội quốc tế, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu tới các thị trường lớn. Đơn cử như vùng nguyên liệu nuôi cá tra được đảm bảo theo quy trình khép kín, đạt chuẩn GlobalGAP và ASC; vùng nuôi nghêu đạt chứng chỉ bền vững MSC; vùng trồng lúa áp dụng phương pháp cải tiến SRI, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, vừa nâng cao năng suất, vừa góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên...

Việc hình thành các vùng nguyên liệu tập trung và đạt chuẩn giúp tạo chất lượng đồng đều cho các sản phẩm đầu ra, đáp ứng các tiêu chuẩn khi thương mại hóa, giúp nông nghiệp Việt Nam giải quyết được vấn đề về truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Không dừng lại ở đó, PAN cũng hết sức chú trọng vào chế biến sâu nông sản, thủy sản, thực phẩm. Đây được xem là khâu quan trọng giúp nâng tầm chất lượng cho nông sản, thủy sản Việt Nam, không chỉ giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, mà còn thúc đẩy tăng cường liên kết từ sản xuất, cung ứng nông sản giữa nông dân, doanh nghiệp với người tiêu dùng.

PAN đã tích cực áp dụng công nghệ hiện đại, trang bị máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất để chế biến các loại nông sản thô thành các mặt hàng giá trị cao giúp tăng giá trị cho nông sản.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 11.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 12.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 13.

PAN đã tích cực áp dụng công nghệ hiện đại, trang bị máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất để chế biến các loại nông sản thô thành các mặt hàng giá trị cao giúp tăng giá trị cho nông sản.

Trong những năm qua, tập đoàn này đầu tư cho 5 nhà máy mới hoạt động, trong đó có nhà máy chế biến điều không xả thải môi trường, sử dụng nhiên liệu sạch. Đồng thời, cải tiến các công nghệ chế biến, kỹ thuật sản xuất thực phẩm giảm rác thải, phát thải như áp dụng MFCA (giảm tổn thất nguyên liệu) cho sản xuất bánh kẹo; áp dụng BSCI, SEDEX (các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong sản xuất phổ biến).

Chẳng hạn như quy trình sản xuất điều tại Lafooco, ngoài hạt điều sau khi tách vỏ là sản phẩm cốt lõi, thì các phần khác như vỏ, dầu vỏ, bã vỏ sẽ không bị loại bỏ. Thay vào đó, bã vỏ được ép dầu tạo ra viên nén dùng làm chất đốt; dầu vỏ được tinh chế làm vật liệu kết dính, sơn chống gỉ... Nhìn chung, quy trình sản xuất này gần như không xuất hiện "phế phẩm" bởi tất cả đều được tái sử dụng để làm ra các sản phẩm giá trị gia tăng, vừa tạo thêm lợi ích kinh tế, vừa giảm tối đa rác thải.

- Nhìn vào cách PAN đã và đang làm, theo Giáo sư, liệu có công thức chung nào được đúc kết cho sự thành công khi liên kết chuỗi sản xuất ngành nông nghiệp hay không?

GS.VS. Trần Đình Long: PAN luôn lấy người lao động làm trung tâm, lấy khoa học công nghệ làm động lực cho sự phát triển. Đó là điểm then chốt và cũng là nền tảng để doanh nghiệp có thể bền bỉ tiến xa.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 14.

Như tôi đã chia sẻ, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều bất cập, trong đó có bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao. PAN hiện đang có hơn 10.000 lao động làm việc tại các nhà máy, đều được đào tạo bài bản. Họ có những cách làm độc đáo để chiêu mộ "người tài", đồng thời bồi dưỡng và tạo điều kiện phát triển năng lực. Ngoài ra, Tập đoàn cũng chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng làm việc, thu hút nguồn nhân lực mới trong tương lai. Họ sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực tập, thậm chí trả lương cho sinh viên từ năm thứ 3 nếu đến doanh nghiệp thực tập.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 15.

Còn về khoa học công nghệ, PAN chủ động xây dựng mục tiêu về nghiên cứu cũng như hợp tác quốc tế từ rất sớm để hướng tới một ngành nông nghiệp bền vững. Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) được thực hiện một cách bài bản cho từng mảng kinh doanh bao gồm giống cây, thủy sản và thực phẩm… trong nhiều năm.

Cụ thể, hoạt động nghiên cứu các sản phẩm giống cây trồng được tổ chức theo 2 hướng là nghiên cứu chọn tạo giống mới, kỹ thuật, công nghệ sản xuất hạt giống và nghiên cứu ứng dụng như trao đổi nguồn gen, chuyển giao công nghệ, quy trình canh tác tiên tiến.

Trong thủy sản, PAN chủ yếu nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn tự nhiên; công nghệ ương giống khỏe mạnh, sạch bệnh; các bệnh trong thủy sản và biện pháp phòng ngừa, điều trị; ứng dụng kỹ thuật nuôi trồng hiệu quả; phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng.

Còn đối với thực phẩm, PAN nghiên cứu để phát triển về công nghệ chế biến, sáng tạo các sản phẩm mới và bao bì đóng gói.

Để hiện đại hóa nông nghiệp và giúp nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp như hiện nay, bắt buộc phải chú trọng R&D. Nhờ có R&D, chúng ta có thể lai tạo, chọn lọc các loại giống mới chất lượng hơn, phù hợp với từng vùng trồng khác nhau, có khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu tốt. Chẳng hạn như giống gạo Thơm RVT của Vinaseed là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, có khả năng chống đổ ngã và kháng sâu bệnh tốt, thích nghi trên diện rộng, năng suất cao. Với sự ưu việt như vậy, loại gạo này đã vinh dự nhận được Huy chương Vàng tại Hội nghị Phát triển Công nghiệp hạt giống Trung Quốc – ASEAN.

Khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành, nhiều vấn đề vướng mắc đã được tháo gỡ, doanh nghiệp đã được tạo điều kiện để tiếp cận với khoa học công nghệ, được thành lập viện nghiên cứu. PAN đã ký kết hợp tác về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2025 - 2030 với Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Sự chủ động trong công tác nghiên cứu và phát triển là lợi thế cạnh tranh vượt trội của PAN so với nhiều doanh nghiệp nông nghiệp khác.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 16.

- Theo tìm hiểu, cách đây hơn 10 năm, trước khi gia nhập ngành nông nghiệp, PAN đã là một công ty lớn trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp với tiềm lực tài chính lớn mạnh, và chuyển mình thành tập đoàn đầu tư. Vậy "nguồn vốn" có phải là yếu tố tiên quyết để PAN xây dựng nên một chuỗi giá trị như hiện nay và trở thành một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm hay không, thưa Giáo sư?

GS.VS. Trần Đình Long: Đối với nông nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu, nguồn vốn là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vốn lớn là bước đệm để các tập đoàn như PAN đầu tư mạnh cho nghiên cứu, công nghệ, dây chuyền sản xuất, mở rộng thị trường... nhằm theo đuổi một ngành nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, nhờ có năng lực tài chính, PAN mới có thể đồng hành lâu dài với nông nghiệp, đây là điều kiện quan trọng giúp phát triển nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, vốn không phải điều kiện duy nhất để PAN lớn mạnh như bây giờ, mà yếu tố không kém phần quan trọng là cách quản trị nông nghiệp thông minh. Đây được xem là "kim chỉ nam" giúp PAN đạt được những thành công như hiện tại.

Quản trị nông nghiệp là việc đưa ra mô hình quản lý ngành nông nghiệp giống như vận hành một doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là vì họ có các cấp bậc rõ ràng, hoạt động theo quy trình, tập hợp đầy đủ các yếu tố trong sản xuất, từ đó giải quyết được các vấn đề kinh doanh và thu được lợi nhuận.

Ở Việt Nam, xu hướng quản trị nông nghiệp trước đây chủ yếu là theo mô hình hợp tác xã. Nhược điểm của mô hình này là không tập hợp được lực lượng. Trong khi hiện nay, để tái cơ cấu nông nghiệp thì cần phải tập hợp được các yếu tố cần thiết. Chẳng hạn như trong sản xuất lúa gạo, để cho ra thành phẩm chất lượng cao, cần phải có giống tốt, quy trình an toàn, chế biến ra gạo sạch thì mới bán ra với giá cao được. Do vậy, muốn làm nông nghiệp bền vững, phải quản trị và quản trị thật hiệu quả.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 17.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 18.

Muốn làm nông nghiệp bền vững, phải quản trị và quản trị thật hiệu quả.

- Điều gì khiến ông tâm đắc nhất trong công tác quản trị tại PAN?

GS.VS. Trần Đình Long: Cách đây hơn 10 năm, khi còn hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp, PAN đã có một quyết định táo bạo khi bất ngờ rẽ hướng sang nông nghiệp và tái cơ cấu hoàn toàn. Khi ấy, thay vì thành lập các thành viên mới, họ chọn cách mua lại cổ phần của các công ty khác. Các doanh nghiệp này tuy lớn và đã có thâm niên lâu năm, thậm chí còn ra đời trước cả PAN, nhưng lại có những rào cản và khó khăn riêng khiến họ chưa thể đột phá và lớn mạnh.

Đến nay, PAN đang có tới 11 công ty con với những nét văn hóa, điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Vậy nên, làm thế nào để khắc phục hạn chế, phát huy tiềm năng, đồng thời giữ cho các thành viên những đặc trưng riêng là một vấn đề không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, PAN đã quản trị theo hướng để tất cả thành viên của mình được độc lập và tôn trọng bản sắc riêng của từng doanh nghiệp. Đây là điểm tôi ấn tượng nhất. Với vai trò là một tập đoàn đầu tư, đứng đầu hệ sinh thái, PAN rót vốn, giúp đỡ về mặt tài chính, công nghệ và định hướng chiến lược cho các công ty con. Trong quá trình đó, họ không hề ép các đơn vị thành viên phải theo ý mình, họ chỉ định hướng và mỗi thành viên được quyền tự chủ để phát triển và hai bên cùng có lợi.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 19.

Chẳng hạn như với Vinaseed, sau khi cổ phần hóa vào năm 2014, công ty chỉ có vốn điều lệ 13 tỷ đồng, nhưng đến nay đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vinaseed, ban đầu chỉ là một nhà máy chế biến ở Ba Vì (Hà Nội) với vốn đầu tư chỉ vài chục tỷ đồng, sau đó đầu tư thêm được nhà máy chế biến quy mô nhỏ ở Đồng Văn (Hà Nam). Sau khi PAN đầu tư vào, Vinaseed đã có đủ "lực" để xây dựng thêm nhà máy chế biến quy mô lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long với tổng vốn đầu tư lên đến 350 tỷ đồng. Đây cũng chính là động lực to lớn để Vinaseed có thể chiếm lĩnh thị phần cây giống tại Việt Nam.

Hay như với Lafooco, trước khi gia nhập PAN, công ty này chỉ mới dừng lại ở hoạt động sản xuất điều thô nên chịu sự rủi ro từ thị trường khá lớn. Từ khi về với PAN, Lafooco không chỉ nhận được sự hỗ trợ về tài chính, quản trị mà còn xây dựng hệ thống chuẩn mực đạt các tiêu chuẩn quốc tế; thay đổi về công nghệ để chuyển sang chế biến sâu hạt điều có giá trị gia tăng cao nhằm thúc đẩy giá bán và lợi nhuận.

Nhờ vậy, Lafooco đã chính thức xóa lỗ lũy kế và có lãi từ 2020. Từ một doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản thô, công ty đã chuyển hướng hoàn toàn tập trung vào hàng chế biến sâu, đồng thời đặt mục tiêu đưa hạt điều mang nhãn hiệu Lafooco từ Việt Nam vươn ra thế giới, vào top 100 hạt điều trên Amazon Mỹ.

Có thể nói rằng, M&A ở PAN không phải là "thâu tóm" mà là "sáp nhập" và "đồng hành". Sự đồng hành đó đã khắc họa tầm quan trọng của một tập đoàn đầu tư trong ngành nông nghiệp khi làm xoay chuyển ngoạn mục hoạt động kinh doanh tại các công ty con. Điều này giúp các thành viên như được "sinh ra" thêm lần nữa trong một hình hài rắn rỏi, mạnh mẽ và có thể đương đầu với mọi thách thức trên thương trường.

Cách quản trị như PAN đang làm với hệ sinh thái của mình là hình mẫu cho các tập đoàn đầu tư khác, không chỉ ở trong ngành nông nghiệp, mà còn lan tỏa đến nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế.

Một điểm nữa mà tôi cảm thấy rất tâm đắc khi nhìn vào phong cách quản trị của tập đoàn này chính là sự minh bạch. PAN minh bạch ở tất cả các khâu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đảm bảo các bước đúng quy trình và đạt tiêu chuẩn. Tôi cho rằng đây là một chiến lược khôn ngoan, một cách làm thông minh trong bối cảnh ngành nông nghiệp luôn phải đối mặt với áp lực về an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, yêu cầu truy xuất nguồn gốc và các điều kiện xuất khẩu ngày càng khắt khe.

Như chúng ta đã biết, thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, nhưng trong suốt một thời gian dài, con đường xuất khẩu chủ yếu vẫn chỉ là tiểu ngạch. Nhưng với sự quản trị minh bạch, rõ ràng trong toàn bộ chuỗi sản xuất, nông sản Việt dễ dàng chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, Organic, VietGAP, ASC, MSC... Từ đó có thể tới được Trung Quốc và nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Doanh nhân Nguyễn Thị Trà My là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PAN. Cùng với Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng, bà Nguyễn Thị Trà My cũng là đồng sáng lập của PAN - người đặt nền móng cho bước ngoặt đến với nông nghiệp của tập đoàn này.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 20.

Doanh nhân Nguyễn Thị Trà My - Đồng sáng lập Tập đoàn PAN

Doanh nhân Nguyễn Thị Trà My sinh năm 1970 tại Phú Thọ. Bà tốt nghiệp chương trình thạc sỹ Quản trị kinh doanh cấp cao, trường Shidler College of Business, thuộc Đại học Hawaii, Manoa, Hoa Kỳ vào năm 2007. Bà cũng là 1 trong 4 cựu sinh viên xuất sắc nhận được giải thưởng Hall of Honor Awards 2016, Đại học Hawaii, đồng thời là Chủ tịch hội đồng cố vấn chương trình thạc sỹ Quản trị kinh doanh cấp cao, trường Shidler College of Business, Đại học Hawaii tại Việt Nam.

Trước khi có cơ duyên đến với PAN, bà đã có gần hai thập kỷ điều hành thành công một công ty nông nghiệp đa quốc gia của Áo tại Việt Nam với vai trò giám đốc tài chính. Với những am hiểu và tình yêu nông nghiệp sâu sắc, bà Nguyễn Thị Trà My không chỉ giữ vai trò như một nhà điều hành, mà còn là người "thổi hồn" cho những bước chiến lược của PAN. Bà đã đưa ra những định nghĩa mới về quản trị nông nghiệp, về sự "sành điệu" khi làm nông nghiệp thay vì định kiến "khổ sở", "chân lấm tay bùn" như bấy lâu nay người ta vẫn "áp đặt" cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Trà My cũng luôn định hướng cho PAN về tư duy phát triển bền vững - không chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà còn phải chú trọng đến yếu tố môi trường và xã hội.

Khi nhắc đến bà Nguyễn Thị Trà My, GS.VS. Trần Đình Long luôn nhấn mạnh rằng, bà có sự bản lĩnh, thông minh của một "nữ tướng" trên thương trường. Nhờ có những vị thuyền trưởng như bà Nguyễn Thị Trà My, PAN mới có thể trở thành một tập đoàn đầu tư lớn mạnh, tiền đề để trở thành lớp doanh nghiệp dân tộc trong tương lai.

- Theo chia sẻ của doan nhân Nguyễn Thị Trà My, PAN xem phát triển bền vững là vấn đề cốt lõi luôn song hành cùng hiệu quả kinh doanh. Do vậy, Tập đoàn luôn thực hiện theo chủ trương "lợi ích kinh tế phải được cân bằng với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội". Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

GS.VS.Trần Đình Long: Chủ trương hoạt động của PAN đã chạm đến tinh thần mà nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế hiện đại nói chung đang theo đuổi, đó là phát triển bền vững.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 21.

Nông nghiệp dù phát triển như thế nào thì vẫn có sự phụ thuộc nhất định vào tự nhiên. Nếu không có đất tốt, nước sạch và đa dạng sinh học làm nền tảng thì công nghệ hiện đại cũng không thể phát huy được hết năng lực của mình trong việc kiến tạo những giá trị mới cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Do vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nền sản xuất lâu dài.

Quan điểm đề cao sự phát triển bền vững đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng của một tập đoàn đầu tư như PAN. Mặc dù có thể đầu tư sang các lĩnh vực khác như điện tử, công nghệ để nhanh chóng có lợi nhuận cao, nhưng PAN vẫn chọn dấn thân vào nông nghiệp – một ngành phát triển bền vững để vừa làm kinh tế nông nghiệp, vừa thúc đẩy an sinh nông nghiệp và vừa góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Trong nền nông nghiệp hiện đại, bài toán lợi nhuận không thể tách rời trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Ba yếu tố này hợp lại với nhau tạo thành "thế chân vạc" giúp nông nghiệp phát triển bền vững trên con đường hội nhập quốc tế.

Đối với PAN, phát triển bền vững không chỉ giúp tập đoàn này giải quyết những bài toán khó của nông nghiệp Việt Nam, mà còn mang lại những lợi ích thiết thực về mặt tài chính - yếu tố quan trọng trên hành trình trở thành một "đế chế" nông nghiệp trong tương lai. Nhờ đạt các tiêu chuẩn về ESG, PAN đã thu hút được các nguồn vốn quốc tế như IFC, Standard Chartered… thông qua các thỏa thuận xanh và giúp các sản phẩm của PAN đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

- Đồng hành với đề án cấp quốc gia "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", PAN đã phối hợp với tỉnh Đồng Tháp xây dựng và triển khai đề án "Nâng cao thu nhập người trồng lúa". Quyết định của PAN trong việc hợp tác này cho thấy điều gì, thưa Giáo sư?

GS.VS. Trần Đình Long: Với đề án "Nâng cao thu nhập người trồng lúa", nhờ lợi thế sở hữu các thành viên là công ty lớn trong ngành, PAN đã tham gia vào khâu quan trọng nhất để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải là cung cấp cây giống và phân bón sinh học cho người nông dân. Tập đoàn xây dựng quy trình canh tác khoa học, tưới tiêu hợp lý, chuyển từ phân bón hóa học sang sinh học..., từ đó xây dựng nên mô hình canh tác lúa giảm phát thải và bước đầu đã ghi nhận những thành công nhất định: Lượng giống sử dụng giảm xuống còn là 60kg/ha so với mức trung bình là 100 - 159kg/ha; năng suất lúa tăng 16%, lợi nhuận của người nông dân tăng 105% so với canh tác truyền thống. Với hiệu quả như vậy, mô hình này nhất định sẽ được nhân rộng ra các khu vực khác.

Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 22.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 23.
Tập đoàn PAN và cuộc kiến thiết mô hình “liên kết chuỗi”, quản trị - đầu tư bền vững trong ngành nông nghiệp- Ảnh 24.

Quyết định tham gia vào đề án "Nâng cao thu nhập người trồng lúa" là minh chứng rõ ràng cho sự chủ động đồng hành của một Tập đoàn đầu tư như PAN trong mục tiêu chung của quốc gia. Trong dài hạn, mô hình này sẽ là hình mẫu cho quá trình phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, góp phần tạo động lực để nước ta thực hiện mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) trước năm 2050.

- Từ những chuyển động hiện tại, Giáo sư có kỳ vọng gì vào những bước xoay chuyển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai?

GS.VS. Trần Đình Long: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã tạo ra không gian thể chế rộng mở hơn với rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng bứt phá. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước giống như một "đạo diễn", đóng vai trò tổng chỉ huy, hỗ trợ, xây dựng thể chế... để kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học, viện nghiên cứu, người nông dân. Theo đó, các tập đoàn đầu tư như PAN sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các chủ thể khác với nhau.

Hiện tại, có thể PAN chưa giải quyết được tất cả vấn đề tồn đọng của ngành nông nghiệp nhưng với chiến lược, tư duy phát triển bền vững và tầm nhìn, cũng như cách quản trị minh bạch, họ sẽ trở nên khác biệt và có những thành tựu đột phá trong ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khi kinh tế tư nhân đang ngày càng được chú trọng phát triển.

Nếu toàn bộ nền nông nghiệp nước ta đều được tổ chức lại dựa trên nền tảng doanh nghiệp nông nghiệp liên kết với hợp tác xã kiểu mới và hoạt động theo chuỗi giá trị, cùng với việc áp dụng quy trình chế biến sâu như PAN đang làm, thì kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta có thể đạt trên 400 tỷ USD/năm. Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp vào những năm 2030 - 2045.

Do vậy, tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để tin vào sự bứt phá của ngành nông nghiệp Việt trong tương lai - thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh chiến lược của quốc gia và đạt đến sự phát triển bền vững nhờ các tập đoàn đầu tư như PAN.

PV: Vâng thưa Giáo sư, có thể khẳng định, Nghị quyết 68 chính là lời hiệu triệu của thời đại đối với các doanh nghiệp tư nhân. Tinh thần của Nghị quyết đã chạm đến tận cùng khát vọng, khơi dậy nhiệt huyết và lòng yêu nước, ý chí dân tộc của đội ngũ doanh nhân trên hành trình cùng đất nước vươn mình.

Doanh nhân Nguyễn Thị Trà My cho biết, các doanh nghiệp tư nhân đang được củng cố niềm tin, động lực và sức mạnh để "dám" bước vào những cuộc chơi lớn hơn, khát vọng hơn để bứt phá hơn, tiếp tục đầu tư "một cách chuyên nghiệp và xứng tầm", viết nên câu chuyện mới của ngành nông nghiệp trong 10 năm, 20 năm, 30 năm… và thậm chí là trường tồn.

Trong sự xúc động, bà chia sẻ rằng: "Trước đây, những người làm kinh doanh như chúng tôi thường được gọi là 'thương nhân' - theo nghĩa tiêu cực. Chính vì thế, khi đọc những nội dung của Nghị quyết 68 - với sự trân trọng vô vàn đối với kinh tế tư nhân, chúng tôi cảm nhận được một niềm vui khôn xiết, và có thể nói rằng, đó là khoảnh khắc đột phá về mặt cảm xúc. Lòng tin rất quan trọng. Khi có lòng tin, doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng dấn thân vào những dự án lớn hơn, đương đầu với những thách thức lớn hơn để hiện thực hóa những khát vọng cao cả của mình.

Nông nghiệp là lĩnh vực cực kỳ khó khăn - ít ai muốn đầu tư. Đây là lĩnh vực mà chúng ta trồng trọt hôm nay, không biết ngày mai có thu hoạch được không. Nơi chúng ta thả tôm vào ao mà không biết tỷ lệ sống sót sẽ đạt được là bao nhiêu. Nơi chúng ta chế biến sản phẩm mà khó chắc chắn rằng chúng sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mọi thứ - gạo, cá, tôm… đều đòi hỏi đầu tư vào R&D, đổi mới kỹ thuật số và phát triển bền vững. Một nền nông nghiệp lành mạnh chỉ có thể được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa đổi mới và bền vững.

PAN đang có kế hoạch thành lập các chương trình ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp. Khi có Nghị quyết 68 làm nền tảng, không có lý do gì chúng ta không thể tạo ra một hệ sinh thái nuôi dưỡng các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp.

Khó khăn là khôn cùng. Nhưng chúng ta cần tiến về phía trước, từng bước một. Thất bại thực sự không phải là đối mặt với khó khăn, mà là không dám thử".

Đó là những lời tự sự đầy tâm huyết của một doanh nhân gắn liền với những khát khao đưa ngành nông nghiệp vươn xa hơn nữa bằng tinh thần đổi mới và tư duy phát triển bền vững. Trân trọng cảm ơn GS.VS. Trần Đình Long đã dành thời gian cho Reatimes với một cuộc trò chuyện sâu sắc và ý nghĩa về tầm vóc và những lựa chọn khác biệt của một tập đoàn đầu tư đang lớn mạnh dần lên cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt.

Những chia sẻ của ông đã mở ra nhiều lớp tư duy về những bước xoay chuyển của ngành nông nghiệp ở những thời kỳ khác nhau và lột tả cách mà các doanh nghiệp như PAN đang làm để kiến tạo nên những giá trị mới, định hình rõ nét vai trò và những cơ hội của một lĩnh vực mang trong mình lợi thế cạnh tranh đặc biệt, có khả năng tạo ra đột phá cho nền kinh tế nếu chúng ta biết tận dụng.

Đường còn dài, nhưng với sự đồng hành, dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân, có lẽ không gì là không thể đối với ngành nông nghiệp Việt Nam!

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Chuỗi đối thoại chính sách với chủ đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đã và đang có thể tiếp tục nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top